Doanh nghiệp nhà nước không được duy trì nợ xấu "khủng"
DN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần theo quy định của Chính phủ.
Theo quy định tại Nghị định 206/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2014, DN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần theo quy định của Chính phủ về quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Khi có nhu cầu huy động vốn vượt quy định để đầu tư các dự án quan trọng, DN phải xây dựng phương án cụ thể, xác định trên cơ sở các dự án huy động vốn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có hiệu quả. DN chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án và đảm bảo khả năng trả nợ, Chủ sở hữu chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật.
Cũng theo quy định tại Thông tư 242/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được tự ý vay vốn làm cho hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá 3 lần (đối với công ty có HĐQT) hoặc vượt quá vốn điều lệ (đối với công ty không có HĐQT) mà phải báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước xem xét quyết định.
Để tránh nợ nần chồng chất, Thông tư này cũng quy định công ty nào không được phép huy động vốn vượt mức trên nhưng liên tục 2 năm có hệ số nợ phải trả vượt vốn điều lệ 3 lần thì phải chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính, đa dạng hóa sở hữu các đơn vị thành viên, thu hồi vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính…
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, nợ phải trả lớn, nợ mất khả năng thanh toán có xu hướng gia tăng đang là hiện trạng đáng quan ngại của khối DNNN.
Theo Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua về tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh của các DNNN, hiện có 48 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần (41 công ty mẹ, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần).
Báo cáo của công ty mẹ, tổng số nợ phải trả là 717.264 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 0,84 lần; hệ số tự tài trợ bình quân (vốn chủ sở hữu/tổng tài sản) là 0,53 lần. Hệ số nợ tổng quát (tổng nợ phải trả/tổng tài sản) bình quân là 0,45 lần.
Bản báo cáo này của Bộ Tài chính có điểm ra danh sách một số TĐ,TCT đang có nợ quá hạn như: TĐ Dầu khí Quốc gia Việt Nam (nợ quá hạn 2.174 tỷ đồng); TCT Hàng hải VN (6.681 tỷ đồng); TCT Cà phê VN (153 tỷ đồng); TCT Máy và TBCN (84 tỷ đồng); TCT Chè VN (26 tỷ đồng); Công ty Haprosimex – Hà Nội (32 tỷ đồng); Công ty ĐTTMDVQT – Hà Nội (13 tỷ đồng); TCT XD Sài Gòn (6 tỷ đồng)...
Báo cáo này đã mô tả về tình hình nhọc nhằn cùng nợ của khối DNNN, đặc biệt là ở các tập đoàn kinh tế nhà nước khi phải đối mặt với sức ép của nợ phải thu và nợ phải trả. Báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT có tổng số nợ phải thu năm 2012 là 275.975 tỷ đồng.
Tại nhiều cuộc hội thảo bàn về nợ của các DNNN, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ băn khoăn về số nợ phải trả của DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty hiện không minh bạch. Tình trạng này vừa do nguyên nhân chủ quan từ phía DNNN, vừa do bất cập của cơ chế hiện hành nên có biểu hiện DN giấu nợ. Do đó, khó đánh giá chuẩn xác mức độ rủi ro trong hoạt động của các DNNN.
Những lỗ hổng trong cơ chế quản lý nợ của các DNNN sẽ được bù đắp và chặt chẽ hơn theo quy định tại Nghị định 206 mới đây của Chính phủ. Yêu cầu các DNNN phải đưa hệ số nợ phải trả thấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu, là điểm thay đổi khá căn bản, sẽ quản lý chặt chẽ các khoản nợ của DNNN bởi các DN sẽ không được duy trì khoản nợ xấu "khủng" như trước đây./.