Doanh nghiệp vận tải kêu khó do phí chồng phí
(VOV) - Nhiều bất cập trong việc thu phí cầu đường, phí phương tiện đầu kéo… làm tăng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp.
Hiện nay, với tình hình kinh tế đang hết sức khó khăn, hoạt động vận tải hàng hóa cũng gặp nhiều trở ngại khi vẫn còn nhiều bất cập trong khi vận chuyển, cách đánh thuế, phí đường bộ…
Ngày 30/5, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có buổi gặp gỡ trao đổi với các doanh nghiệp vận tải TP HCM và các tỉnh phía Nam nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Hàng loạt các xe đầu kéo và sơmi rơmoóc của Công ty CP Hoa Nam phải nằm "đắp chiếu" từ nhiều tháng nay. (Ảnh: Báo GTVT) |
Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc công ty vận tải Minh Liên cho biết, hiện nay doanh nghiệp của ông đang rất khó khăn khi tuyến đường vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp có quá nhiều trạm thu phí. Trước kia khi vận chuyển hàng từ Cần Thơ về TP HCM đi Vũng Tàu thì chỉ cần đưa cho tài xế vài trăm nghìn là đủ phí cầu đường nhưng hiện nay lượng phí phải đóng tăng gấp 3 lần, đến vài triệu đồng mới đóng đủ một lần vận chuyển.
Ông Hà Thanh Sơn, Giám đốc công ty cổ phần vận tải Sơn Hà cho biết, công ty ông đã hoạt động trong nghề vận chuyển hàng hóa từ hơn 10 năm nay có tổng cộng 33 đầu kéo, hơn 100 rơ moóc. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, mỗi ngày chỉ hoạt động khoảng gần 20 đầu kéo nên số rơ moóc còn lại để phơi nắng là khoảng 60 chiếc. Với mức thu phí bảo trì đường bộ hiện nay đối với rơ moóc là 620.000 đồng/1 rơ moóc, mỗi tháng doanh nghiệp ông vẫn phải đóng 32 triệu đồng trong khi không sử dụng; ngoài ra là các khoản chi phí khác như trả tiền thuê mặt bằng, bảo vệ… nên rất tốn kém.
“Nên tăng phí đối với đầu kéo và không thu phí rơ moóc, còn tỷ lệ tăng bao nhiêu thì theo đề suất và gợi ý là một đầu kéo thu thêm một moóc. Chúng ta không thu tương ứng theo rơ moóc mà nên cộng thêm bằng tiền. Là doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng đóng nhưng làm sao phải công bằng, khoa học và nhẹ nhàng”, ông Sơn kiến nghị.
Với công ty vận tải Ngọc Mai chuyên vận chuyển loại mặt hàng đặc biệt là các thiết bị chuyên dùng như các xe cơ giới, các thiết bị làm cầu đường, nhà máy…thì đây là những mặt hàng rất nặng và gần như vượt qua chuẩn về trọng lượng chuyên chở. Mặc dù xe lưu thông đã xin giấy lưu hành đặc biệt nhưng theo bà Bùi Thị Ngọc Mai, chủ tịch HĐQT công ty thì việc xin giấy phép đấy chỉ cho vui thôi bởi khi vận chuyển vẫn phải tuân theo các qui định về biển báo cầu đường, điều này đã làm công ty lâm vào tình cảnh lúc nào cũng vi phạm về tải trọng.
"Chúng tôi không muốn vi phạm nhưng cũng buộc phải vi phạm. Trong giấy phép lưu hành đặc biệt có yêu cầu phải tuân theo biển báo cầu đường. Tuy nhiên, trên Quốc lộ 1 từ Nam ra Bắc không có cây cầu nào cho phép xe trọng tải trên 30 tấn đi qua. Như vậy rõ ràng là chúng tôi phải vi phạm và khi vi phạm thì kinh doanh thua lỗ, nhưng nếu không làm thì sẽ phá sản… Nguyện vọng nói chung của các doanh nghiệp là các ban ngành xem lại, có hướng dẫn cụ thể, yêu cầu như thế nào thì chúng tôi sẽ thực hiện sao cho việc kinh doanh hợp lệ và đúng với điều kiện của nhà nước”, bà Mai phân trần.
Theo tổng hợp của Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM, đa số các doanh nghiệp vận tải đều đề nghị sửa đổi qui định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 18/2012 của Chính phủ theo hướng bỏ thu phí sơ mi rơ moóc; thay đổi cách thu phí theo kỳ đăng kiểm sang thu phí hang tháng để có thể bớt chi phí phải đóng khi phương tiện không hoạt động, có biện pháp cho phéo doanh nghiệp không phải đóng phí trong thời gian đăng kí phương tiện tạm dừng hoạt động, hướng dẫn cụ thể các trường hợp miễn giảm…
Về vấn đề “phí chồng phí”, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM kiến nghị, cần giảm mức thu trên giá vé đối với từng loại xe tương ứng với khoản tiền bảo trì hàng năm mà nhà đầu tư bỏ ra để bảo vệ công trình, quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được Quỹ bảo trì đường bộ hoàn trả lại với mức tương ứng hàng năm. Bộ GTVT cũng cần sớm xây dựng một bộ quy định về quá tải, quy rõ trách nhiệm và chế tài đối với từng đối tượng liên quan khi xảy ra tình trạng chở quá tải…
Luật sư Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP HCM cho rằng, trước mắt đề nghị Bộ GTVT cần làm việc với Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn với việc đang thu phí với sơ mi rơ moóc. Cải cách thủ tục hành chính trong xử lý vi phạm, ví dụ như việc phải đi các tỉnh khác để đóng tiền phạt… Sớm có giải pháp để tránh phí chồng phí đối với các trạm thu phí BOT. Có quy định về giấy phép lái xe, cung cấp thông tin lái xe cho doanh nghiệp để họ có thể sắp xếp, kinh doanh hợp lý.
Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TP HCM đang rất cần những động thái tích cực từ Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan để vượt qua khó khăn thách thức hiện nay./.