Hóa đơn giấy bị xóa sổ: Lấy gì trình cơ quan kiểm tra khi vận chuyển hàng hóa?
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo nghị định quy định từ đầu năm 2018 sẽ sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy.
Tại một hội thảo góp ý cho dự thảo chính sách này vừa được tổ chức, một số doanh nghiệp (DN) cho biết, đã bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy hơn 1 năm và quả thực tiết kiệm được nhiều chi phí lưu trữ, chi phí in và thuận lợi trong quản lý thông tin lẫn doanh thu.
Theo một cán bộ của Ngân hàng Phương Đông, nội dung dự thảo nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ thì từ đầu năm 2018 yêu cầu hóa đơn điện tử phải có mã xác thực của cơ quan thuế. Mức phí cho mỗi hóa đơn điện tử có mã xác thực là 300 đồng thì mỗi tháng ngân hàng này vẫn phải tốn chi phí khoảng 300 triệu đồng. Đại diện ngân hàng này nói: "Mục tiêu của chính sách này giúp tiết kiệm chi phí cho DN nhưng nếu như DN vẫn tốn phí lớn thì chính sách nà cần phải xem lại” .
Cũng có nhiều ý kiến từ phía DN và một số chuyên gia kinh tế là ngành tài chính không nên thu phí dịch vụ trên từng hóa đơn mà nên để DN tự chủ động trong dịch vụ hóa đơn điện tử. DN sau đó sẽ gửi bản kê khai hóa đơn hằng tháng cho cơ quan thuế sẽ giúp tiết giảm chi phí và thủ tục nhiêu khê.
Dự thảo chính sách hóa đơn điện tử của ngành thuế đang gây nhiều ý kiến trái chiều, Ảnh minh họa: KT
Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng bày tỏ lo ngại nhất nhất định. Theo Công ty Ajinomoto Việt Nam, ví dụ như khi vận chuyển hàng hóa trên đường đi, các DN phải cầm theo hóa đơn đỏ để các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường kiểm tra. Nhưng khi đã bỏ hóa đơn giấy, chỉ có hóa đơn điện tử thì lấy gì trình ra cho cơ quan kiểm tra khi họ yêu cầu.
"Chúng tôi được biết, hiện nay, mới chỉ có TP.HCM, Hà Nội triển khai hóa đơn điện tử. Trong khi đó, các DN hoạt động khắp cả nước với rất nhiều khách hàng khác nhau. Do đó, ngành thuế cần xem xét để tránh gây phiền phức cho người kinh doanh”, đại diện công ty này cho biết.
Một vấn đề khác có thể thấy rõ là hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin trong nước chưa được đầu tư tốt, lạc hậu, không thể đáp ứng điều kiện kết nối dữ liệu của cơ quan thuế tốt ngay được.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện có hơn 4 tỉ hóa đơn gồm cả hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy trong toàn hệ thống. Nhưng nếu áp dụng hóa đơn điện tử, con số hóa đơn sẽ lên tới khoảng 5-6 tỉ, như vậy, ngành thuế khó có đủ năng lực quản lý dữ liệu lớn này và nếu có sự cố thông tin sẽ gây thiệt hại cho DN và gây ra nhiều phí tổn để khắc phục.
Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, nếu ngành thuế buộc đồng loạt sử dụng hóa đơn điện tử từ đầu năm 2018 là “quá gấp gáp, không đủ thời gian cho DN chuẩn bị”.
"Cần có lộ trình 1-2 năm để DN lẫn cơ quan thuế có thể chuẩn bị tốt. Trong thời gian này DN vẫn sử dụng hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử song song tùy trường hợp", ông Tuấn nói.
Về các vấn đề trên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ Chính sách thuế thuộc Tổng cục Thuế, tính cuối năm 2016, cả nước có 315 DN sử dụng hóa đơn điện tử với hơn 2,4 triệu hóa đơn xác thực của ngành thuế.
"Thực tế thí điểm tại TPHCM và Hà Nội, chúng tôi thấy hóa đơn điện tử giúp DN lẫn cơ quan thuế giảm thời gian làm thủ tục hóa đơn. Nếu dùng hóa đơn giấy, DN tốn năm công đoạn trong khi hóa đơn điện tử chỉ một công đoạn đăng ký là xong. Hơn nữa, DN giảm được chi phí in, lưu trữ, giúp sàng lọc hóa đơn của các DN bỏ trốn, loại bỏ được tình trạng hóa đơn giả…", bà Hà nói.
Mặc dù vậy, theo đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục này sẽ ghi nhận các ý kiến trên để hoàn thiện dự thảo nghị định quy định về hóa đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ để có thể triển khai chính sách trên một cách thuận lợi và khả thi nhất, không gây khó khăn cho DN như khi chở hàng hóa trên đường, DN chỉ cần đọc mã số hóa đơn điện tử, cơ quan quản lý lẫn DN có thể truy cập vào hệ thống.
Thu phí đường bộ tự động sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7
Đối với tổ chức kinh doanh có mã số thuế trước năm 2018 sử dụng hóa đơn tự in hệ thống máy tính, các DN và tổ chức kinh tế đang mua hóa đơn của cơ quan thuế thì từ ngày 1/7/2018 mới sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử do DN tự phát hành nếu đáp ứng đủ các điều kiện.
DN, tổ chức kinh tế trước năm 2018 sử dụng hóa đơn đặt in thì trong năm 2018 tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in và Tổng cục Thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Trường hợp đủ điều kiện thì áp dụng hóa đơn điện tử do DN tự phát hành./.