Trước thềm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017:

Kỳ vọng Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp

VOV.VN - Doanh nghiệp tiếp tục đặt kỳ vọng vào những quyết sách cũng như động thái quyết liệt trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Như đã đề cập ở bài viết trước, những cam kết của Chính phủ cũng như việc triển khai Nghị quyết 35/2016 trong 1 năm qua đã tạo nên luồng gió mới cho môi trường kinh doanh, khởi nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng vẫn còn nhiều rào cản, hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 sắp diễn ra tới đây thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là diễn đàn để doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình và đặt kỳ vọng vào những quyết sách cũng như động thái quyết liệt từ Trung ương đến địa phương trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn được đồng hành và hỗ trợ phát triển. (Ảnh minh họa: Internet)

Động lực đòn bẩy quan trọng hơn mệnh lệnh hành chính phi thị trường

Nếu như trong năm 2016, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục với hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới, thì sang đến quý 1/2017, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trên cả nước là hơn 20.000 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, cần có những giải pháp cụ thể để không chỉ tháo gỡ mà còn thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Không phủ nhận những kết quả tích cực từ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, bớt phiền hà tốn kém thời gian và chi phí, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, đó mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Quan trọng là cần phải tạo được động lực hay đòn bẩy về kinh tế, gắn với việc tạo lợi nhuận để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Ông Võ Quốc Hào, Tổng Giám đốc Công ty May Bình Minh (TP HCM) chia sẻ, các doanh nghiệp nhiều lao động như dệt may, da giày hiện còn chồng chất khó khăn, vì số lượng lao động rất lớn, chủ yếu là lao động giản đơn, nhưng chi phí sản xuất mỗi năm lại tăng theo mức tăng của lương tối thiểu, chi phí bảo hiểm tăng…trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn cao.

Do đó, bên cạnh rút ngắn thủ tục hành chính, thì cần nhiều giải pháp cụ thể hơn. “Với các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, nếu lương tối thiểu tăng thì bảo hiểm xã hội nên giảm xuống. Thuế thu nhập doanh nghiệp không thể nào vẫn là 20%, chỉ nên ở mức 10%/năm. Quan trọng là Chính phủ cần đưa ra được động lực cụ thể để phát triển kinh tế chứ không chỉ ở hô hào chung chung rồi doanh nghiệp lại phải tự bơi”, ông Hào kiến nghị.

Còn theo ông Chu Đức Lượng, Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ, nên tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh bằng các đòn bẩy kinh tế hơn là dùng mệnh lệnh hành chính. Như trong chính sách khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp, số lượng không quan trọng bằng chất lượng. Các hộ kinh doanh cá thể hoàn toàn vẫn có thể kinh doanh tốt, với năng suất lao động và bộ máy nhỏ nhưng không phải chịu thêm những chi phí lãng phí, phi kinh tế, phi thị trường.

“Trong thời kỳ hội nhập, hãy để các thành phần kinh tế tự chủ động trong phát triển, hội nhập. Doanh nghiệp cần những giải pháp là động lực, đòn bẩy chứ không phải những mệnh lệnh phi thị trường”, ông Lượng nêu ý kiến.

Không để “trên nóng dưới lạnh”

Một trong những điều doanh nghiệp còn lo ngại, đó là sự thiếu đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương hay sự ì trệ của bộ máy chính quyền cơ sở. Ông Phan Thanh Miễn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An nêu dẫn chứng, chỉ riêng yêu cầu của Chính phủ về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không được nhiều lần và chồng chéo, nhưng thực tế, các doanh nghiệp ở địa phương hàng tháng vẫn phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra như môi trường, phòng cháy chữa cháy, thuế chủ yếu là chỉ muốn…phạt doanh nghiệp.

Do đó, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt phân cấp rõ ràng về thanh tra, kiểm tra, cũng như phải cam kết rõ ràng quyết liệt về việc cắt giảm thủ tục. “Cấp trên ra chủ trương, các địa phương, sở ngành là nơi thực hiện. Bên cạnh việc đôn đốc vẫn cần kiểm tra việc thực hiện ở cấp dưới. Chủ trương của Chính phủ là tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhưng bên dưới nếu ban hành văn bản không đúng và gây rủi ro cho doanh nghiệp phải xử lý nghiêm minh. Sự quyết liệt phải được thể hiện bằng hành động”, ông Miễn thẳng thắn.

Còn theo ông Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần phải nâng cao trình độ quản lý ở bộ ngành, địa phương. Chẳng hạn như với kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động xuất nhập khẩu, nếu cứ phân tán, chồng chéo, trùng lắp sẽ khiến doanh nghiệp mệt mỏi vì phải làm thủ tục nhiều lần. “Thủ tục xuất – nhập khẩu cần phải tập trung theo nguyên tắc một cửa, quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế, phân luồng ưu tiên. Bên cạnh đó là nguyên tắc công nhận lẫn nhau giữa các cơ quan, đơn vị để giảm bớt thời gian, chi phí cho doanh nghiệp”, ông Thành nói.

Đồng hành bằng hành động cụ thể

Ông Hồ Sĩ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ doanh nghiệp đã trải qua 1 năm thực hiện. Nhưng trong lộ trình thực hiện 5 năm vẫn rất cần thời gian để hoàn thiện và thực thi. Cho đến nay, một số chính sách đã triển khai, một số đã trình Chính phủ và Quốc hội, một số khác cần tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp.

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 có chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Mục tiêu của cuộc đối thoại là tìm ra kế sách phát triển doanh nghiệp, từ đó giúp tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong quá trình thực hiện còn có những khó khăn, vấn đề quan trọng là phải cải thiện chính sách, kể cả cách thực hiện của cơ quan quản lý. “Đặc biệt từ quản lý chuyển sang hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp. Chuyển từ cung cách quản lý sang phục vụ hỗ trợ. Đó là cả một quá trình”, ông Hùng nhấn mạnh./.

Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM:

“Tinh thần của Nghị quyết 35 có 2 đối tượng bị tác động là Nhà nước và doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tự đổi mới sáng tạo mà chỉ dựa vào hỗ trợ của Nhà nước sẽ không tạo ra được thị trường. Do đó, bản thân doanh nghiệp phải tự chủ động sáng tạo và thay đổi.

Hiện tại, các Nghị quyết đã là quá đủ vì vậy quan trọng nhất là hành động. Cần cải cách sâu rộng, hơn là chỉ về thủ tục hành chính cũng như giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường, để thị trường được phát triển tự do”.

Ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu (Hưng Yên):

“Các doanh nghiệp đánh giá cao cam kết của Chính phủ kiến tạo đồng hành cùng doanh nghiệp. Mong Chính phủ có những giải pháp hạn chế thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra cần tháo gỡ nút thắt về tín dụng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các Starup khởi nghiệp. Chẳng hạn, về tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp sạch, Chính phủ cần có những giải pháp phù hợp, phân bổ hợp lý. Các cơ quan tham mưu mà không đưa ra chiến lược cụ thể thì nguy cơ vốn về hết các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương khó tiếp cận”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Gỡ rào cản trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Gỡ rào cản trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

VOV.VN - Muốn “sống khỏe” trong bối cảnh hội nhập, ngoài tiếp cận vốn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới.

Gỡ rào cản trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Gỡ rào cản trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

VOV.VN - Muốn “sống khỏe” trong bối cảnh hội nhập, ngoài tiếp cận vốn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới.

Một số bộ, ngành chưa quyết liệt hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
Một số bộ, ngành chưa quyết liệt hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

VOV.VN -Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức sâu sắc về Nghị quyết 35, chưa quyết liệt thực hiện.

Một số bộ, ngành chưa quyết liệt hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Một số bộ, ngành chưa quyết liệt hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

VOV.VN -Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức sâu sắc về Nghị quyết 35, chưa quyết liệt thực hiện.

Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cần coi trọng chất lượng
Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cần coi trọng chất lượng

VOV.VN - Nên để các thành phần kinh tế tự chủ động trong phát triển bằng những giải pháp là động lực, đòn bẩy, không phải những mệnh lệnh phi thị trường.

Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cần coi trọng chất lượng

Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cần coi trọng chất lượng

VOV.VN - Nên để các thành phần kinh tế tự chủ động trong phát triển bằng những giải pháp là động lực, đòn bẩy, không phải những mệnh lệnh phi thị trường.