Làm gì để “đón sóng” đầu tư từ Nhật Bản?
VOV.VN - Các doanh nghiệp Việt Nam cần hoàn thiện chính mình bằng việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo yếu tố “chữ tín”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến Quý 3/2014, Nhật Bản có hơn 2.400 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn hơn 36 tỷ USD. Trong đó, hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam làm ăn có lãi và muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ hai nước liên tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, tạo điều kiện tốt cho làn sóng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Với đặc điểm đặc biệt kỹ tính và lâu bền của thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam muốn giao thương thành công chắc chắn phải đảm bảo điều kiện “chữ tín” đầu tiên. Chữ tín ở đây bao gồm việc cam kết về chất lượng, đảm bảo thời gian từ cuộc hẹn đến việc giao hàng, thông tin cung cấp trước sau như một.
Bà Trần Thị Minh Trang, Tổng Giám đốc Cty TNHH Tư vấn Thương Mại Việt Nhật, Giám Đốc Dự án Japan Circle – đơn vị làm cầu nối giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam thường than phiền mất rất nhiều thời gian để đến với một khách hàng Nhật Bản, thậm chí nhiều năm mà không giao thương thành công.
“Thật ra, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thiện chí hợp tác, những rào cản ban đầu đó sẽ nhanh chóng được rút ngắn. Các doanh nghiệp Nhật Bản một khi đã đặt chân đến Việt Nam họ thực sự muốn gắn bó lâu bền. Ngoài ra, những yếu tố như hiểu biết văn hoá ứng xử, việc chuẩn bị tài liệu thông tin đầy đủ, đặc biệt về sự hợp tác hơn là giới thiệu về thành quả quá khứ, có nhân viên giao tiếp được tiếng Nhật... sẽ là những lợi thế lớn”, bà Trang cho biết.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần “hoàn thiện chính mình” bằng việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo yếu tố “chữ tín” như đã đề cập phía trên, và chuẩn bị tư thế hội nhập bao gồm cả việc vượt qua rào cản ngôn ngữ.
Và cuối cùng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm tay nhau hợp tác lớn mạnh chứ không đơn độc phát triển, hãy học hỏi sự hợp tác gắn kết khối đoàn, hiệp hội ngành nghề mà hiện nay Nhật Bản đang phát triển rất hiệu quả./.