Giới đầu tư Nhật Bản ồ ạt ra khỏi Trung Quốc
Thay vào đó, ASEAN đang trở nên ngày càng hấp dẫn với các nhà đầu tư nước này.
Trong cuộc phỏng vấn với DW, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại công ty phân tích IHS Rajiv Biswas cho rằng: "Các công ty Nhật Bản đang chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc và tăng cường đầu tư vào các nước ASEAN. Động thái kinh tế này dường như là kết quả của những căng thẳng ngày càng tăng giữa hai cường quốc châu Á."
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm gần 50 phần trăm trong nửa đầu năm 2014 so với cùng kì năm ngoái. Năm 2013, trong khi tổng mức đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở nước ngoài tăng 16,8% thì đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nhật Bản giảm 23,5%.
Các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc đã giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc vì rủi ro của những khoản đầu tư liên quan đến Trung Quốc ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, các DN đang phải đối mặt chi phí lao động tại các tỉnh ven biển Trung Quốc tăng ngày càng cao. Điều này góp phần vào sự thay đổi chiến lược của các công ty Nhật Bản, hướng tới các thị trường có chi phí sản xuất thấp ở Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Philippines cũng như các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Brazil và Mexico.
Việc các công ty Nhật chuyển hướng đầu tư trực tiếp ra khỏi Trung Quốc sẽ không quá lớn đối với Trung Quốc bởi dòng vốn đầu tư của Nhật Bản là tương đối nhỏ so với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Đông Nam Á. Sự chuyển hướng của FDI của Nhật Bản từ Trung Quốc đối với các nước ASEAN có thể tác động lớn lên tổng vốn đầu tư trực tiếp chảy vào các nước như Indonesia, Philippines, Việt Nam và Myanmar.
Thị trường nội địa của các nước ASEAN đang trở nên ngày càng hấp dẫn với các công ty Nhật khi mà họ đang phải đối mặt với một thị trường tiêu dùng trưởng thành và suy giảm dân số tại Nhật. GDP trong khu vực ASEAN đạt ngưỡng 2,4 nghìn tỷ USD trong năm 2014, tổng dân số 635 triệu người với một tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng, khu vực này hứa hẹn là thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong 2 thập niên tới. Hơn thế nữa, ASEAN đang đạt được tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6%/năm, tạo ra một thị trường phát triển nhanh cho các công ty Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực.
Đầu tư của các công ty Nhật Bản vào ASEAN tăng lên trong nhiều ngành công nghiệp bao gồm thiết bị điện tử, ô tô, sản phẩm thực phẩm, phát điện, thiết bị xây dựng và máy móc công nghiệp, cũng như trong ngành công nghiệp dịch vụ như ngân hàng và hậu cần.
Đối với các công ty đa quốc gia Nhật Bản với chuỗi cung ứng sản xuất phức tạp, đa dạng hóa các địa điểm sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ giúp giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, quyết định đầu tư trực tiếp vào ASEAN đòi hỏi phải phân tích sâu về những rủi ro ở từng nền kinh tế ở mỗi quốc gia riêng lẻ.
Ví dụ như Singapore là một quốc gia có rủi ro rất thấp do môi trường chính trị ổn định và hệ thống kinh tê vĩ mô và tài chính mạnh. Còn những rủi ro cính trị và kinh tế ở các khu vực khác trong ASEAN là đáng kể, chẳng hạn như những bất ổn chính trị gần đây hay cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan.
Đối với hầu hết các nước ASEAN, sự chuyển hướng đầu tư lần này rất được chào đón bởi nó tạo ra hàng ngàn việc làm cho địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế. Ví dụ tại Myanmar, ba công ty thương mại Nhật Bản đầu tư vào việc phát triển khu công nghiệp có thể đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu. Ở Việt Nam, Philippines và Myanmar, đầu tư của các ngân hàng Nhật đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố hệ thống ngân hàng nội địa./.