Lần đầu tiên truy xuất nguồn gốc thực phẩm đến tận hộ sản xuất
VOV.VN - Hải Phòng là địa phương đầu tiên thực hiện truy xuất nguồn gốc đến tận hộ sản xuất phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ lẻ.
Thực hiện năm cao điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở NN&PTNT Hải Phòng vừa khởi động chương trình gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm năm 2017. Theo đó, mỗi sản phẩm nông sản có dán tem, người tiêu dùng sẽ tự mình kiểm tra chính xác nơi sản xuất ra sản phẩm đó.
Với 4 cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Sở NN&PTNT Hải Phòng khẳng định, người tiêu dùng rất thuận lợi thực hiện việc tìm nguồn gốc sản phẩm mình mua và người bán hàng cũng không mất thời gian để khẳng định sản phẩm đó được nhập từ vùng sản xuất an toàn. Người quản lý hệ thống biết số lượng sản phẩm bán hàng ngày, sản phẩm đang ở đâu, thậm chí là ở nước ngoài.
Dán tem truy xuất nguồn gốc khẳng định chất lượng sản phẩm. |
“Trước đây, việc truy xuất đến hợp tác xã đã được các cơ sở sản xuất, các thương hiệu đã từng làm. Hải Phòng là địa phương đầu tiên thực hiện truy xuất đến tận hộ, người sản xuất và đến tận xứ đồng, phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ lẻ”, ông Hà cho biết.
Theo ông Lê Xuân Hiến, giám đốc Công ty CP Công nghệ nông nghiệp Toxe Green - đơn vị tư vấn cho ngành nông nghiệp Hải Phòng thực hiện việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, trước khi dán tem, cá nhân, hộ sản xuất hay hợp tác xã phải đăng ký với cơ quan chức năng về quy trình sản xuất, diện tích, năng suất. Tem truy xuất có mã số tổng hợp các thông tin cơ bản của sản phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng.
“Chương trình truy xuất HPAP của Hải Phòng có 4 cách để thực hiện: Dùng smartphone để quét mã QR, dùng mạng internet tra trực tiếp tem truy xuất, dùng điện thoại phổ thông để thực hiện tin nhắn hoặc gọi lên tổng đài. Khi người sản xuất gắn tem truy xuất, chịu chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình sẽ tăng niềm tin đối với người tiêu dùng”, ông Lê Xuân Hiến cho biết.
Trả lời thắc mắc về chất lượng sản phẩm nông sản, ông Đoàn Văn Chung, Chi cục trưởng, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hải Phòng cho rằng, cơ quan chức năng vẫn phải thực hiện hướng dẫn quy trình, giám sát quy trình sản xuất cũng như lấy mẫu giám sát.
“Về nguyên tắc quá trình giám sát vẫn phải tin tưởng vào doanh nghiệp, mọi vấn đề doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu doanh nghiệp liên kết để tiêu thụ sản phẩm, các mối liên kết phải thực hiện đúng quy trình mà đơn vị đó đang thực hiện”, ông Chung cho biết.
Chị Trần Thanh Diệp, chủ cửa hàng bán thực phẩm sạch ở phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng chia sẻ, từ trước đến nay vẫn bán hàng bằng bằng uy tín cá nhân, nếu dám tem truy xuất nguồn gốc thì uy tín của doanh nghiệp sẽ đến tự nhiên hơn.
“Từ trước đến giờ khi bán hàng bản thân cứ phải tự quảng cáo cho sản phẩm, phải chứng minh bằng mọi cách. Khi có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ vừa tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ tin tưởng cửa hàng hơn”, chị Diệp cho biết.
Theo ông Phạm Văn Hà, Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng, nếu giá thành chuyển sản phẩm từ người sản xuất đến tiêu dùng tăng từ 30 - 40 %, thì giá thành gắn tem truy xuất nguồn gốc chỉ chiếm khoảng 0,02% giá trị sản phẩm.
Nghệ An sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh