Ngành thuế “bất lực” trước taxi Uber, Grab…
Sau hơn 2 năm hoạt động tại Việt Nam, toàn bộ lợi nhuận của Uber đều được chuyển ra nước ngoài, nghĩa vụ thuế của loại hình kinh doanh này vẫn là con số không.
Mới đây, đề cập đến phương án thu thuế đối với Uber tại phiên họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính diễn ra đầu tháng 7/2016, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, sau 2 năm Uber thâm nhập thị trường thì mô hình kinh doanh của Uber vẫn gây tranh cãi vì dịch vụ rất mới, tại Việt Nam chưa được quy định cụ thể trong hệ thống ngành kinh tế.
Cần nhanh chóng đưa ra phương án thuế đối với taxi Uber, Grab |
Bộ Tài chính đã trao đổi với các bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông tuy nhiên vẫn chưa có được thống nhất cuối cùng.
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, mô hình kinh doanh của Uber vừa có yếu tố kinh doanh vận tải lại vừa có yếu tố cung cấp dịch vụ công nghệ. Vì vậy, trước mắt, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục làm rõ về vấn đề này. Và trên cơ sở này, Tổng cục Thuế sẽ báo cáo với Bộ Tài chính để có những phân tích, nghiên cứu nhằm thu được thuế một cách triệt để nhưng vẫn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Diễn dẫn dịch vụ cung cấp phần mềm để kết nối điều hành hoạt động vận tải do Công ty TNHH Uber đề xuất thí điểm thực hiện, Tổng cục Thuế đề xuất, Uber cung cấp giải pháp công nghệ cho các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận tải tại Việt Nam thì doanh thu tính thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp của Uber là phần doanh thu nhận được từ các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận tải theo tỷ lệ thỏa thuận chia sẻ doanh thu giữa hai bên.
Còn đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ vận tải hành khách có sử dụng phần mềm quản lý của Uber thì doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền cước vận chuyển hành khách.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải là đối tác của nhà thầu Uber còn phải có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng cho nhà thầu Uber theo tỷ lệ thỏa thuận chia sẻ doanh thu với nhà thầu Uber tính trên cước phí vận chuyển phát sinh thực tế thu từ khách hàng.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Dự thảo này có khá nhiều thay đổi về điều kiện kinh doanh taxi, vận tải theo hợp đồng. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải nhận định các ứng dụng gọi xe như Grab Taxi, Uber… đã và đang có chiều hướng ngày một phát triển mạnh. Do đó dự thảo cho phép đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện quản lý điều hành xe taxi thông qua phần mềm kết nối giữa trung tâm điều hành với lái xe và hành khách đi xe thay thế cho việc điều hành thông qua bộ đàm và trung tâm liên lạc.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định doanh nghiệp phải đáp ứng quy mô (số lượng phương tiện tối thiểu) theo các loại hình kinh doanh. Đến cuối năm 2018, các doanh nghiệp phải có đủ số lượng xe tối thiểu mới được tiếp tục hoạt động.
Tờ trình cũng liệt kê một số vi phạm thường gặp như doanh nghiệp không cung cấp được danh sách lái xe và số lượng phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị, doanh nghiệp không xin cấp phù hiệu cho xe, xe không có đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vận tải…
Trong khi nhà chức trách địa phương và một số cơ quan khác coi Uber là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, thì các bộ ngành khác lại cho Uber là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin… Với đà này, Uber và Grab sẽ tiếp tục làm đau đầu các nhà chức trách../.
Thu thuế taxi Uber: Rà soát các lái xe tự kí hợp đồng làm dịch vụ