Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại 'dọa' đóng cửa
PVN đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ về việc tồn kho lớn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và cảnh báo nguy cơ đóng cửa nhà máy này.
Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ về việc tồn kho lớn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và cảnh báo nguy cơ 'bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới'.
Đến cuối tuần qua, Hiệp hội Năng lượng VN (VEA) cũng có đơn kiến nghị Chính phủ và các bộ điều chỉnh lại thuế suất “ngang bằng với mặt hàng xăng nhập từ Hàn Quốc” đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Vì sao dự án có vốn đầu tư lên đến 5 tỉ USD lại rơi vào hoàn cảnh bi đát như vậy đang là mối quan tâm của dư luận.
Kiến nghị trên của PVN (đơn vị có 100% vốn đầu tư vào BSR - công ty quản lý vận hành, sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất) xuất phát từ Hiệp định thương mại tự do VN - Hàn Quốc do từ đầu năm nay, thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc vào VN sẽ về 10% theo lộ trình, trong khi thuế nhập khẩu xăng dầu của Dung Quất vẫn là 20%. Nên các khách hàng tất nhiên sẽ chọn mua xăng dầu nhập khẩu để có giá rẻ hơn.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất dù được ưu đãi nhiều nhưng vẫn than lỗ - (Ảnh: Hiển Cừ) |
Đây không phải lần đầu tiên dự án lọc dầu Dung Quất than lỗ và “dọa” đóng cửa. Năm ngoái cũng từng xảy ra hiện tượng tương tự khi thuế nhập khẩu xăng được giảm từ 35% xuống còn 20%; thuế nhập khẩu dầu diesel ở mức 30% được giảm xuống còn 5% cho năm 2015 và sau đó giảm về 0% cho năm 2016 đến năm 2018. Lúc đó Dung Quất kêu cứu, cũng “dọa” đóng cửa nhà máy và sau đó Bộ Tài chính phải điều chỉnh để mức thuế Dung Quất chịu cũng ngang bằng mức thuế xăng nhập từ Singapore.
Đánh lừa nhà nước ?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét: Khi quyết định đầu tư vào khoảng năm 2010, mọi người đã biết rất rõ Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN được hình thành vào 2015 và đến 2018 là chấm dứt hết mọi thứ thuế đánh lên sản phẩm từ ASEAN vào VN. Bộ Tài chính hằng năm đều công bố danh mục thuế giảm trong ASEAN, mức giảm như thế nào. Tương tự, chúng ta cũng khởi động đàm phán FTA với Hàn Quốc từ năm 2012; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay với Liên minh châu Âu (EU) cũng vậy. Ai cũng hình dung được đến 2015 thuế 0% sẽ được áp cho một số đối tác trong mặt hàng dầu từ 2015 - 2016 trở đi. Tại sao Dung Quất không “mặc cả” về mức thuế với nhà nước ngay từ đầu?
“Ở thời điểm xin chủ trương đầu tư Dung Quất, PVN có biết lộ trình này không? Biết chứ. Vậy sao không mặc cả với nhà nước về mức thuế? Phải chăng là nhằm dụ khị nhà nước, để nhà nước yên tâm dù sao doanh nghiệp (DN) cũng nộp 20% thuế, từ đấy yên tâm cho đầu tư? Ý tôi là PVN biết trước sau này thuế sẽ giảm nhưng vẫn cứ chấp nhận và lờ đi không nói, vẫn cam kết với nhà nước đóng thuế cao và từ đó bài toán hiệu quả về phía nhà nước bị sai lệch?”, bà Lan thẳng thắn.
Bà Lan cho biết vấn đề của PVN hiện nay khiến bà liên tưởng đến trường hợp của Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV) trong việc đầu tư nhà máy bauxite. Rõ ràng họ đã lờ đi những vấn đề như làm đường, giá xuất khẩu của bauxite như thế nào để được đầu tư và sau này đẻ ra đủ thứ phát sinh, đẩy hết gánh nặng cho nhà nước. Những yếu tố phát sinh này họ không tính trong bài toán kinh doanh của mình. Nếu là nhà đầu tư tư nhân thì “không ai điên” tới mức cứ đầu tư mà không tính được trước những tác động chính sách.
TS Phan Minh Ngọc, Phó giám đốc nghiên cứu DN của Ngân hàng SMBC - chi nhánh tại Singapore, cũng cho rằng dẫn những hiệp định thương mại tự do để cho rằng ngành lọc dầu của VN bị ảnh hưởng lớn từ xăng dầu nhập là không đúng. Bởi trước đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã có cả một lộ trình nhiều năm để có biện pháp đối phó khi thuế nhập khẩu xăng dầu được xóa bỏ trong bối cảnh được ưu đãi lớn. Vấn đề là DN đã không quyết tâm thực hiện.
“Đã có lộ trình nhiều năm rồi mà nhà máy này không biết làm thế nào để đối phó, cạnh tranh một cách thành công được với hàng nhập khẩu thì thiết nghĩ là cũng nên để thị trường trừng phạt họ, chứ không nên bao bọc bằng cách thêm các cơ chế ưu đãi bên cạnh hàng loạt ưu đãi như hiện nay nữa”, TS Ngọc nêu quan điểm.
Không thể bắt dân gánh mãi
Trong một bài viết phản biện lại lời “cầu cứu” của PVN, TS Phan Minh Ngọc phân tích, nếu cho rằng giá sản phẩm tại Nhà máy Dung Quất bị ảnh hưởng do thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước trong khu vực ASEAN giảm 20% xuống 10% là không đúng. Bởi với xăng RON 90, 97 hoặc loại khác có hoặc không pha chì đều vẫn chịu chung mức thuế nhập khẩu là 20% trong giai đoạn 2012 - 2018. Chỉ có thuế nhập xăng máy bay giảm từ 20% xuống 10% từ năm 2012 đến nay.
Bên cạnh đó, theo TS Phan Minh Ngọc, không phải tất cả xăng dầu của VN đều được nhập từ các nước ASEAN và Hàn Quốc. Số liệu thống kê nhập khẩu của UN Comtrade (một cơ sở về dữ liệu thương mại của LHQ - NV) cho thấy VN nhập khẩu xăng động cơ năm 2014 là 2,42 triệu tấn. Trong đó, từ ASEAN là 1,71 triệu tấn (chiếm 70,7%), 208.000 tấn còn lại là từ Hàn Quốc. Như vậy, hơn 70% xăng động cơ của VN vẫn còn chịu 20% thuế nhập khẩu, bằng mức thuế áp dụng cho Nhà máy Dung Quất. “Dù có lớn hơn con số này cũng không tác động tích cực lên nhà máy”, TS Ngọc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần khẳng định: “Nguyên tắc của nền kinh tế thị trường là thua lỗ liên tục nên đóng cửa, cứ xem đơn vị này như một DN tư nhân. Nếu Chính phủ cứ tiếp tục “o bế”, chiều chuộng và nương theo sự “hù dọa” này, sẽ phải tiếp tục trả giá cho những cách làm ăn ỷ lại, dựa dẫm của đơn vị nhà nước”.
Theo bà Lan, thời gian qua rất nhiều nhà máy lọc dầu trên thế giới đã đóng cửa, khoảng 50% số lượng; cả các mỏ dầu cũng đóng cửa, không còn khai thác. “Thân phận của Dung Quất, cũng như các nhà máy lọc dầu ở VN, có thể chấp nhận hoàn cảnh giống như các nhà máy lọc dầu trên thế giới, khi thấy không còn hiệu quả nữa thì phải ngưng, phá sản. Dung Quất là DN quốc doanh, nên gánh nặng của nó là dân chịu. Dân chịu cho Dung Quất nhiều năm rồi, giờ phải tiếp tục chịu nữa với sức nặng tăng lên thì dân nào chịu nổi, nền kinh tế nào chịu nổi? Vậy nên đừng cố gắng nuôi Dung Quất thêm nếu vẫn thua lỗ”, bà nhấn mạnh.
Làm sao ăn nói ?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan quan ngại: Nếu để Dung Quất tiếp tục hoạt động và bù lỗ, làm sao có thể ăn nói với những DN có vốn nước ngoài như Nghi Sơn? Không lẽ VN lại đi bù lỗ cho Nhật Bản? Nhà nước không nên ôm Dung Quất tiếp. Bởi một mặt tăng thêm gánh nặng lên dân, lên nền kinh tế; dễ là cái cớ để những nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi VN bù lỗ hoặc giảm thuế cho họ. Như vậy rốt cuộc VN thu lợi được gì?
Lãi từ ưu đãi
Giữa năm 2015, báo cáo gửi Chính phủ của PVN cho thấy, trong giai đoạn từ 2010 - 2014, nếu không có những ưu đãi lớn của nhà nước ưu đãi thuế nhập khẩu, dự án này phải lỗ đến 27.600 tỉ đồng (tương đương 1,2 tỉ USD). Trung bình, mỗi năm lỗ ít nhất 3.100 tỉ đồng, năm 2014 lỗ đến 7.136 tỉ đồng. Nhưng nhờ có ưu đãi, tính hết hết 2014, dự án này chỉ lỗ 1.048 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2015, DN này thông báo có lãi đến 6.000 tỉ đồng, số này cũng đến phần lớn từ ưu đãi thuế./.