Những doanh nhân gốc Việt thành đạt trên đất khách
VOV.VN -Nhiều doanh nhân gốc Việt nổi như cồn trên đất khách nhờ tài năng kinh doanh và khả năng dàn xếp các thương vụ làm ăn lớn.
Doanh nhân Chính Chu được đánh giá là một trong những thương nhân châu Á thành công nhất. Dưới bàn tay đạo diễn của Chính Chu, Blackstone đã hoàn thành nhiều vụ đầu tư sinh lãi với giá hàng tỷ USD như hợp vốn mua hãng dược Nycomed và Catalent Pharma Solutions (3,3 tỷ USD), DJ Orthopedics (1,6 tỷ USD)... Chính Chu hiện giữ chức Giám đốc điều hành cao cấp và là đồng Chủ tịch Ủy ban đầu tư vốn cổ phần của Blackstone. (Trong ảnh: Doanh nhân Chính Chu ở ngoài cùng bên trái). |
Tri Tran, đồng sáng lập kiêm CEO của mạng Munchery - phần mềm chuyên cung cấp cho người dùng trực tuyến các bữa ăn từ đầu bếp địa phương. Việc sáng lập ra trang mạng Munchery với hàng triệu người truy cập, phục vụ hàng ngàn đơn đặt hàng mỗi ngày đã khiến Tri Tran và người đồng sáng lập Conrad Chu trở thành một trong 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất tại Thung lũng Sillicon theo bầu chọn của Business Insider. (Ảnh: CEO Munchery Tri Tran (áo tím) trong gian bếp đóng gói và làm lạnh đồ ăn của Munchery). |
Từ nhân viên nhận lương 1,25 USD mỗi giờ khi mới sang Mỹ, 40 năm sau, doanh nhân Hoàng Kiều đã góp mặt trong danh sách 400 người giàu nhất xứ cờ hoa, với tài sản 3,8 tỷ USD. |
Những người yêu cà phê ở Lào không ai là không biết tới Đào Café – thương hiệu của nữ doanh nhân gốc Việt Lê Thị Lượng. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay công ty của bà Lượng mỗi tháng thu về khoảng 2 triệu USD doanh thu. |
Ông Hoàng Chúc là triệu phú gốc Việt tại Pháp, sở hữu 40 công ty, với giá trị tài sản khoảng 290 triệu EUR. Doanh nhân Hoàng Chúc vừa thành công trong thương vụ mua lại toàn bộ khách sạn Nikko của người Nhật với giá 200 triệu euro. |
Sau một cuộc đấu giá công khai, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ - Buford - đã thuộc sở hữu của doanh nhân Việt Phạm Đình Nguyên khi chấp nhận bỏ ra 900.000 USD. Với việc mua lại thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ với mức giá gần một triệu USD, doanh nhân này cũng sở hữu một thương hiệu cà phê trên đất Mỹ. |
Doanh nhân Henry Nguyễn (Nguyễn Bảo Hoàng), giám đốc quỹ đầu tư IDG, tham gia vào thương vụ mua lại CLB Chivas USA của Mỹ với giá 100 triệu USD. |
Jenny Tạ được gọi là "nàng Lọ Lem phố Wall" vì tài kinh doanh. Jenny Tạ là phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên thành lập 2 công ty chứng khoán có tầm vóc quốc tế tại phố Wall. |
Doanh nhân Nguyễn Thế Phiệt thành danh ở Bờ Biển Ngà nhờ xuất khẩu nông sản. Mỗi năm, công ty của anh Phiệt xuất khoảng 100.000 tấn điều thô sang nhiều nước trên thế giới. |
Cặp vợ chồng nổi tiếng của Thung lũng Silicon Valley - Sonny Vũ và Lê Diệp Kiều Trang. Xuất khẩu trí tuệ từ Việt Nam, gia công sản phẩm tại Hàn Quốc và bán tại những thị trường khó nhằn như Mỹ và Trung Quốc, đó là điều hoàn toàn có thể làm được và thậm chí là làm tốt với cặp đôi này. Họ thành lập công ty Misfit Wearables tại Hoa Kỳ, chuyên kinh doanh các thiết bị đeo thông minh có giá chỉ từ 50 - 150 USD. |
Với số vốn ít ỏi từ những công việc ban đầu chàng trai trẻ gốc Việt Bill Nguyễn đã tự tay xây dựng khối tài sản hàng trăm triệu USD, vươn lên làm triệu phú trẻ đất Mỹ./. |