Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Doanh nghiệp đầu tàu phải là chủ lực

VOV.VN - Vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu là vô cùng quan trọng trong việc tạo cầu nối, đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trong các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), vai trò của các doanh nghiệp “đầu tàu” trong các ngành sản xuất là rất quan trọng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/11 tại TP HCM.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, hiện nay, ngành CNHT tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Cụ thể, với lĩnh vực CNHT ngành ôtô, theo mục tiêu đề ra, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đến năm 2005 là 40%, và đến năm 2010 là 60%, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”. (Ảnh: Báo Công Thương)
Tương tự, trong lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may đạt thấp (tỷ lệ giá trị gia tăng năm 2015 đạt 51,1%). Ngành da giày tỷ lệ cung ứng chỉ khoảng 20- 25%, còn lại phải nhập khẩu, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu…

Nguyên nhân khiến cho ngành CNHT nước ta chưa phát triển được ông Hoài chỉ ra là do dung lượng thị trường nhỏ, năng lực của các DN còn hạn chế. Ngành công nghiệp vật liệu hạn chế, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu… Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư của nhà nước còn hạn chế (tín dụng, ưu đãi và hỗ trợ…); các tập đoàn sản xuất, lắp ráp thường sử dụng các nhà cung cấp cùng quốc gia…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của đại diện các Hiệp hội ngành hàng và các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay phát triển CNHT là yêu cầu thực sự bức thiết. Song để đẩy mạnh được ngành CNHT cần có các giải pháp phù hợp và hiệu quả. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đầu ra ban đầu để DN xây dựng kế hoạch đầu tư và chiến lược phát triển CNHT; hỗ trợ đầu tư ban đầu cho DN trong nước. Theo đó, DN phải cam kết lộ trình và tiếp tục thực hiện phát triển sau khi hỗ trợ kết thúc nhằm thúc đẩy CNHT trong nước.

Từ thực tiễn hoạt động, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Thaco Trường Hải cũng cho rằng, nếu không có thị trường, không có doanh nghiệp “đầu tàu” thì rất khó phát triển CNHT. Với mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, tham gia xuất khẩu và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, tháng 4/2016, Công ty đã khởi công mở rộng Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải thêm 268 ha và trong thời gian tới triển khai xây dựng các dự án nhà máy xe con, nhà máy xe tải, nhà máy xe bus và xe mi ni bus…

Chia sẻ về các giải pháp phát triển ngành CNHT mà Thaco Trường Hải đã và đang triển khai thực hiện, ông Dương cho biết: Công ty đã mở rộng, nâng cấp các nhà máy hiện hữu; nâng cao năng lực sản xuất từ các chi tiết cơ khí đơn giản đến sản phẩm có chất lượng cao; đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển; tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm phù hợp với điều kiện sử dụng của khách hàng; nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu của ngành dệt may đã đạt trên 27 tỉ USD. Với tình hình khoa học công nghệ đang chiếm lĩnh ngành công nghiệp dệt may nhanh như hiện nay nếu không có chiến lược phát triển sẽ mất cơ hội phát triển. Nên có trường/viện nghiên cứu khoa học để tập trung cho công tác nghiên cứu áp dụng thực tiễn sản xuất để hỗ trợ cho DN sản xuất.

Ngành dệt may nên quy hoạch thành các khu công nghiệp lớn để tập trung các DN dệt nhuộm vào một điểm để quản lý môi trường. Chính phủ nên dành nguồn vốn ODA cho các dự án công trình trọng điểm xử lý nước thải, các bộ ngành nên rà soát, bãi bỏ văn bản pháp lý không còn phù hợp để tạo điều kiện cho DN phát triển... 

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam cũng cho biết, dự báo, tới năm 2025, Việt Nam có thể đạt sản lượng giày dép trên 2 tỷ đôi, gấp 2 lần sản lượng năm 2015, với kim ngạch xuất khẩu đạt 28 – 30 tỷ USD. Mặc dù là ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, song lâu nay, việc đáp ứng nguyên phụ liệu cho ngành da giày rất yếu. Nếu không phát triển CNHT sản xuất nguyên phụ liệu, ngành da giày Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Để phát triển CNHT, ông Thuấn kiến nghị, trong giai đoạn 2016 -2020, Nhà nước cần xây dựng các khu tập trung sản xuất da thuộc, dệt nhuộm, vải giả da tráng PU…bằng nguồn vốn đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách, các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào sản xuất da giầy xuất khẩu và kết nối các doanh nghiệp trong nước làm vệ tinh để tham gia vào chuỗi cung ứng da thuộc thành phẩm và nguyên liệu cho các doanh nghiệp nước ngoài…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Hiệp hội Da giày tại Công ty Giày Thái Bình.
Dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam, ông Yoonho Jang - Giám đốc Công ty điện tử Samsung Việt Nam - khẳng định: “Chúng tôi luôn coi trọng và tìm kiếm các DN xuất sắc tại Việt Nam. Vai trò của DN Việt Nam rất quan trọng với sự phát triển của DN. Samsung luôn áp dụng các chính sách hỗ trợ đồng nhất với tất cả các nhà cung ứng trên toàn cầu, phân phân biệt DN Việt Nam”.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Quá trình phát triển CNHT đã tạo được những bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, CNHT phát triển không như kỳ vọng bởi nhiều nguyên nhân: Dung lượng thị trường nhỏ, đi sau phát triển sau, thiếu vốn, nhân lực, công nghệ, trình độ quản trị DN còn hạn chế... Phó Thủ tướng chỉ đạo: Chúng ta phát triển sau vì thế rất cần sự hỗ trợ cũng như vai trò của các DN đầu tàu, tạo cầu nối để phát triển CNHT, có tâm huyết phát triển CNHT./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Miễn thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm để phát triển công nghiệp hỗ trợ
Miễn thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm để phát triển công nghiệp hỗ trợ

VOV.VN -Bộ Tài chính vừa giới thiệu về Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và nghị định hướng dẫn luật. 

Miễn thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Miễn thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm để phát triển công nghiệp hỗ trợ

VOV.VN -Bộ Tài chính vừa giới thiệu về Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và nghị định hướng dẫn luật. 

Phát triển công nghiệp hỗ trợ được vay vốn đầu tư ưu đãi
Phát triển công nghiệp hỗ trợ được vay vốn đầu tư ưu đãi

VOV.VN - Các tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 70% vốn đầu tư khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ được vay vốn đầu tư ưu đãi

Phát triển công nghiệp hỗ trợ được vay vốn đầu tư ưu đãi

VOV.VN - Các tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 70% vốn đầu tư khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Công nghiệp hỗ trợ: Chăm phân tích chính sách dẫn đến thiếu thực chất
Công nghiệp hỗ trợ: Chăm phân tích chính sách dẫn đến thiếu thực chất

VOV.VN - Thay vì được hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới chỉ được quan tâm về thủ tục đầu tư, hỗ trợ pháp lý…

Công nghiệp hỗ trợ: Chăm phân tích chính sách dẫn đến thiếu thực chất

Công nghiệp hỗ trợ: Chăm phân tích chính sách dẫn đến thiếu thực chất

VOV.VN - Thay vì được hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới chỉ được quan tâm về thủ tục đầu tư, hỗ trợ pháp lý…