Sẽ có Tổng công ty MobiFone trước khi cổ phần hóa?
MobiFone đang đề xuất thành lập Tổng công ty để có thể cạnh tranh ngang sức với các nhà mạng còn lại trên thị trường.
Từ 1/7, MobiFone chính thức trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và có thể được "nâng cấp" thành Tổng Công ty trước khi tiến hành cổ phần hóa trong quý IV/2014.
MobiFone muốn lên hạng
Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, MobiFone đang đề xuất thành lập Tổng công ty để có thể cạnh tranh “ngang sức” với các nhà mạng còn lại trên thị trường. Nếu không có gì thay đổi, trong quý III/2014, MobiFone sẽ được tái cơ cấu, trở thành Tổng công ty.
“Việc thành lập Tổng công ty MobiFone là cơ sở để Bộ TT&TT trình Chính phủ phương án cổ phần hóa nhà mạng này trong quý IV/2014, đúng theo tinh thần của Quyết định 888/TTg của Thủ tướng”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Việc “nâng tầm” MobiFone lên thành Tổng công ty để cạnh tranh bình đẳng với các nhà mạng khác là bước đi đã được “lập trình” sẵn. Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam năm 2013 của Bộ TT&TT cho thấy, MobiFone hiện giữ 21,4% thị phần. Trong khi đó Viettel là 40,5% và Vinaphone là 19,88%. Doanh thu năm 2013 của MobiFone đạt 41.000 tỷ và lợi nhuận đạt 6.000 tỷ .
Cách đây vài năm, đơn vị tư vấn cổ phần hóa của Mobifone là Credit Suisse đã đưa ra con số 2 tỷ USD khi xác định giá trị của MobiFone. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán HSC mới đây cho rằng, mức định giá này hiện không còn chính xác.
Theo HSC, với giả định mức vốn hóa trên lợi nhuận (P/E) quá khứ là 12 lần, giá trị hiện tại của MobiFone sẽ khoảng 3,4 tỷ USD, tương đương 72.000 tỷ đồng. Nếu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, giá trị của MobiFone có thể lên đến hơn 4 tỷ USD khi công ty IPO.
Cho dù chưa đạt giá trị như trên nhưng rõ ràng MobiFone là một thương hiệu lớn và làm ăn có hiệu quả khiến nhiều quỹ đầu tư quốc tế, các tập đoàn viễn thông thế giới, các nhà đầu tư trong nước quan tâm.
VinaPhone nặng gánh
Khi MobiFone về nhà mới, trọng trách sẽ đè nặng lên vai VinaPhone bởi nhiều năm nay Tập đoàn Bưu chính - Viễn Thông Việt Nam (VNPT) đã “bay trên đôi cánh” MobiFone –VinaPhone. Khi MobiFone “dứt áo ra đi”, gánh nặng sẽ dồn lên vai VinaPhone. Nhất là khi MobiFone ra đi không phải kèm theo nhiều đơn vị kém hiệu quả của VNPT như những dự tính ban đầu.
Với tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm, giai đoạn 2008-2013, VinaPhone đã đạt doanh thu 117.000 tỷ đồng, trong đó riêng 2013 là gần 30.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong quý III/2014, Bộ TT&TT sẽ trình Dự thảo Nghị định về Điều lệ hoạt động, cơ chế tài chính, mô hình tổ chức của VNPT lên Chính phủ. Kèm theo đó xác định vốn điều lệ cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2014 - 2015, giai đoạn đến 2020 - tầm nhìn đến 2030 của VNPT.
Mục tiêu được đặt ra là từ 1/1/2015, VNPT sẽ triển khai hoạt động theo mô hình mới đã được phê duyệt tại Đề án tái cơ cấu. Theo đó, Tập đoàn VNPT được thực hiện theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, không chỉ ở 78 công ty, đơn vị trực thuộc mà ngay cả 18 Ban của Tập đoàn.
Để trở thành tập đoàn viễn thông – công nghệ thông tin hàng đầu quốc gia, Bộ TT&TT cũng cho rằng, VNPT cần đặc biệt quan tâm tới việc phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử và từng bước nội địa hóa các thiết bị viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin, thay thế hàng ngoại nhập, tiến tới có nền công nghiệp công nghệ thông tin tự chủ./.