Sửa quy định nhập khẩu máy móc cũ: Chưa vừa lòng doanh nghiệp
VOV.VN - Việc quy định cứng nhắc về thời gian sử dụng, chất lượng còn lại của máy móc nhập khẩu vẫn không nhận được sự đồng tình của doanh nghiệp.
Tháng 7/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) ban hành Thông tư 20 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Thông tư quy định, các dây chuyền máy móc, thiết bị đã qua sử dụng khi nhập khẩu vào Việt Nam có thời gian sử dụng không quá 5 năm, chất lượng còn lại từ 80% trở lên. Quy định tại Thông tư 20 không nhận được sự đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhất trí tạm dừng thực hiện Thông tư 20, giao Bộ KHCN tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến doanh nghiệp nhằm hoàn thiện Thông tư thay thế mang tính khả thi trong thời gian sớm nhất.
Có thay đổi nhưng vẫn khó thực thi
Trong Dự thảo lần 3 thông tư thay thế Thông tư 20 của Bộ KHCN đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp đã có một số điều chỉnh. Mặc dù Dự thảo có thay đổi về thời gian sử dụng đối với máy móc, thiết bị không được quá 10 năm (tăng thêm 5 năm so với quy định tại Thông tư 20) nhưng điều kiện về chất lượng vẫn giữ nguyên, đó là máy móc phải có chất lượng còn lại từ 80% trở lên.
Theo Bà Trần Tuyết Nhung, Vụ phó Vụ Đánh giá thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KHCN) - cơ quan soạn thảo dự thảo thông tư, Dự thảo lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo đưa ra mục đích làm hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài những quy định chung vẫn cần có ý kiến đóng góp quy định riêng cụ thể cho mỗi ngành.
“Mục tiêu của Chính phủ hạn chế nhập khẩu máy cũ để nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Việc ban hành những quy định cụ thể luôn là bài toán khó, trong khi vừa phải đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, vừa phải tránh được việc Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ. Một Thông tư cũng rất khó nhận được sự thống nhất hoàn toàn, nhưng phải đảm bảo nhận được đa số sự ủng hộ, có tính khả thi và không chồng chéo trong quá trình áp dụng”, bà Nhung bày tỏ.
Doanh nghiệp thiếu hào hứng
Tham gia góp ý kiến đối với Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 20, phần lớn ý kiến các doanh nghiệp đều cho rằng, cần xem xét tính khả thi của thông tư, cụ thể hơn là quy định những tiêu chí đánh giá máy móc, dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng.
Ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch, Tổng thư kí Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam cho rằng, nên thay quy định cứng nhắc sản phẩm sử dụng 10 năm hay chất lượng 80% bằng các báo cáo tiền khả thi của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm miễn sao đảm bảo hiệu quả kinh tế, tiêu chí quy định về môi trường rất khắt khe, không gây tai nạn. “Để đảm bảo sự hoạt động trong môi trường cạnh tranh ngày nay, doanh nghiệp không dại gì nhập khẩu dây chuyền quá cũ nát”, ông Bảo khẳng định.
Đánh giá tính khả thi của Dự thảo thông tư, ông Phan Văn Hải, Tổng Giám đốc công ty phát triển máy xây dựng Việt Nam cho rằng, Thông tư sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cạnh tranh thương mại, thanh lọc phát triển sản xuất trong nước.
“Nếu Thông tư phân biệt đối tượng nhập khẩu sẽ tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng. Các doanh nghiệp lớn sẽ có điều kiện nhập khẩu thiết bị tốt, doanh nghiệp nhỏ và vừa không có diều kiện nhập khẩu sẽ gặp khó khăn, kéo theo nhiều doanh nghiệp phá sản. Hơn nữa, Thông tư nên tách biệt áp dụng theo từng nhóm nghành nghề để dễ quản lý, tránh xung đột”, ông Hải chỉ rõ.
Đồng quan điểm về nhận định này, ông Kawanabe Kenta, Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam lưu ý, với một thông tư bao hàm quá nhiều lĩnh vực như Thông tư 20 sẽ là bất khả thi. Quy định thời gian và chất lượng còn lại của máy móc thiết bị là không phù hợp. Việc thống nhất kết luận thẩm định của mỗi quốc gia là khác nhau nên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nhiều quốc gia khác nhau.
Không nên phân biệt đối tượng nhập khẩu
Nhiều ý kiến không đồng tình đối với việc quy định đối tượng nhập khẩu tại dự thảo thông tư. Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đối tượng áp dụng của dự thảo này là không logic, tạo nên sự bất bình đẳng. Trong khi DNNN đã có Luật Đầu tư công, không thể loại trừ Bộ GTVT ra khỏi đối tượng áp dụng của thông tư.
“Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ chỉ nên quan tâm đến tính an toàn của sản phẩm, tác động môi trường và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Mại nói.
Ông Fred Burke, trưởng nhóm công tác Thương mại và Đầu tư thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp luôn hoài nghi tính chính xác của các cơ quan thẩm định. Con số 80% chất lượng máy móc là con số đưa ra tùy tiện, bởi 80% phải căn cứ trên từng loại máy móc, thiết bị khác nhau.
“Nếu phân nhóm giữa DNNN và các doanh nghiệp khác sẽ tạo nên sự phức tạp, tạo lằn ranh rắc rối khi áp dụng thông tư. Ngoài ra, doanh nghiệp không dễ dàng thỏa mãn các giấy tờ nhập khẩu với các cơ quan hải quan”, ông Fred Burke đánh giá.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí cũng nhận định, Thông tư 20 tạo ra xung đột giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh thiết bị. Do đó, khi ban hành Thông tư cần phải tìm ra điểm chung, hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp, cần xem xét lại quy định, giảm bớt nhũng nhiễu quan liêu và nhất thiết phải được áp dụng thí điểm ở một vài doanh nghiệp cụ thể để lấy kinh nghiệm./.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài:
“Có nhất thiết phải có một thông tư như thế này hay không khi vẫn đưa ra những quy định rất khó đánh giá và kiểm định, trong khi hiện tại đã có các điều luật điều chỉnh nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng”.
Ông Kawanabe Kenta, Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam:
“Nếu không có Thông tư quy định việc nhập khẩu thiết bị máy móc cũ là hay nhất. Nếu vẫn có thông tư thì cần phải làm rõ và sáng tạo hơn về những tiêu chí và những tổ chức thẩm định, quy định về thẩm định phải rõ ràng, không gây hoang mang cho doanh nghiệp”.
Ông Lê Anh Ba, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng: “Thông tư không phù hợp với Luật Doanh nghiệp mới bởi sự phân biệt giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân trong việc nhập khẩu thiết bị, máy móc cũ. Sự ra đời của văn bản như thế này sẽ tạo rào cản cho doanh nghiệp và không phù hợp với thực tiễn”./.