Thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam khi vào FTA
(VOV) - Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi thì còn không ít thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt.
Việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn thông qua ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt, với lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường với các nước đối tác trong Hiệp định thương mại tự do.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, Quí I năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt được kết quả khả quan với kim ngạch gần 30 tỉ USD. Tăng trưởng đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cả khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tham gia FTA chính là việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. (Ảnh: Internet) |
Đạt được kết quả đó là do các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã ký kết được 8 Hiệp định thương mại tự do với các nước, nhu cầu của các thị trường này chiếm khoảng 25% tổng nhu cầu nhập khẩu của thế giới.
Ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu - Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ký kết các Hiệp định thương mại không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn có thể cải thiện cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam.
“Khi đàm phán các bên đưa lợi ích của mình cao lên, giảm lợi ích của phía đối tác lại, khi đàm phán được một mức hai bên cùng chấp nhận, trên cơ sở đó các cơ quan khi đàm phán hiệp định sẽ phải có quảng bá, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, những gì là thuận lợi, là ưu đãi của FTA này. Một trong những ưu đãi là giảm thuế nhập khẩu. Cần phải biết những mặt hàng nào được giảm thuế và giảm bao nhiêu” - ông Lê Xuân Dương nói.
Hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng thì cơ hội phát triển càng nhiều, khó khăn thách thức cũng càng lớn. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng chưa bền vững, quy mô xuất khẩu nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, hàng xuất khẩu chủ yếu do khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài sản xuất và chủ yếu là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động gia công, hơn là những mặt hàng có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao.
Cùng với đó, thị trường xuất khẩu chưa chuyển dịch tích cực, chủ yếu vẫn là những thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU. Tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Tây Nam Á, Mỹ Latinh còn nhỏ và chưa có giải pháp mang tính đột phá.
Ông Phạm Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Artex Tiến Động cho rằng, cơ hội cho các doanh nghiệp lúc nào cũng có nhưng thách thức quá nhiều. Thách thức quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng là chưa được định hướng rõ nét, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp đang kém đi rất nhiều trong khi sức cạnh tranh của các nước khác lại tốt lên.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng như Việt Nam, việc đẩy mạnh xuất khẩu bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Việc này đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại vào các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng đóng vai trò chiến lược, đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng hoá xuất khẩu. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần phát huy nội lực của mình để tạo chỗ đứng vững chắc trên thương trường.
“Khó khăn của thị trường quốc tế, khu vực dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn, kể cả việc định hướng sản xuất kinh doanh cũng như tìm kiếm thị trường. Các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn, trước hết là trong hoạt động xúc tiến thương mại của mình. Trong bối cảnh khó khăn thì càng phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại” - ông Đỗ Thắng Hải cho biết.
Tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp cận, cập nhật thông tin, đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Có như vậy mới khẳng định được thương hiệu của hàng hóa Việt Nam trên thương trường quốc tế./.