FTA sẽ sớm đưa thương mại Việt Nam- Hàn Quốc lên 30 tỷ USD

(VOV) - Hàng nông, thủy sản, và sợi dệt của Việt Nam có thể sẽ được cắt giảm thuế nhiều hơn và nhanh hơn vào thị trường Hàn Quốc nhờ FTA


“Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc sẽ sớm đạt mục tiêu 20 tỷ USD trước năm 2015 và hướng tới mục tiêu 30 tỷ USD vào thời gian tới”- Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan Ho cho biết tại Hội thảo "Đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Hàn Quốc" sáng nay  (12/12), tại Hà Nội.

Theo Đại sứ, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc đã tăng 38 lần trong 19 năm qua. Từ mức 500 triệu USD năm 1992 – năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên gần 18 tỷ USD vào năm 2011. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của Hàn Quốc.

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại tự do song phương, đến tháng 8 vừa qua, hai bên đã tuyên bố chính thức thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do FTA và vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 9 sau đó.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, một trong những đặt điểm nổi bật của FTA song phương, là cơ cấu hàng hóa của hai nước có thể bổ sung rõ rệt, không có cạnh tranh trực tiếp.

Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (FTA), Hàn Quốc cam kết bỏ thuế quan cho 90,8% tổng dòng thuế đối với hàng hoá thông thường của Việt Nam, trên 7% dòng thuế đối với hàng hoá nhạy cảm và dưới 3% dòng thuế đối với hàng hoá cực kỳ nhạy cảm.

Đến năm 2010, Hàn Quốc đã hoàn tất cam kết xoá bỏ thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc.

Trưởng đoàn đàm phán FTA Hàn Quốc Koh Kyng Sok cho biết, FTA song phương Việt Nam - Hàn Quốc sẽ rộng FTA Hàn Quốc ký với 10 nước ASEAN. Nhiều hàng hoá được cắt giảm thuế sâu hơn và nhanh hơn so với FTA giữa nước này và ASEAN. Hiệp định này sẽ giúp nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, và sợi dệt của Việt Nam có thể sẽ được cắt giảm thuế nhiều hơn và nhanh hơn vào thị trường Hàn Quốc. Trong khi đó, nông sản được xem là mặt hàng nhạy cảm đối với Hàn Quốc, còn đối với Việt Nam là xe máy, linh kiện ô tô.

Hiệp định song phương này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá giữa hai nước, và thắt chặt quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thiết lập từ tháng 10/2009.

Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, thiết lập FTA với Hàn Quốc sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn tại thị trường này, tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng như mở rộng sang các thị trường khác.

Hàn Quốc cũng kỳ vọng, đây sẽ là cơ hội tốt cho khoảng 2.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu.

Tính đến ngày 20/10/2012, Hàn Quốc có 3.134 dự án tại Việt Nam, với vốn đăng ký 24,481 tỉ USD. Theo đó, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai sau Nhật Bản trong tổng số 95 quốc gia và lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Trao đổi với PV bên lề hội thảo, ông Choi Kyonglim Thứ trưởng phụ trách thương mại Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc cho rằng, hai nước cần có chiến lược hợp tác. Việt lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp là cách làm quan trọng để đưa ra các phương hướng hợp tác phát triển mới trong thời gian tới.

"FTA Việt-Hàn không thể nghiêng về bất cứ bên nào, nên cần có những ý kiến đóng góp thiết thực giúp cả hai bên cùng có lợi," ông Choi Kyonglim nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Choi Kyonglim cũng cho biết thêm: “Chúng tôi muốn phát triển nền kinh tế, và mở rộng hơn được thị trường, làm thế nào có thể tăng tính cạnh tranh nhiều nhất cho tất cả các doanh nghiệp của Hàn Quốc cũng như là của các bạn trên tinh thần hướng tới người thụ hưởng là khách hàng của thị trường cả hai nước. Vì vậy chúng tôi muốn đưa ra mức độ tự do hoá càng cao càng tốt”.

** Một trong những điểm sáng FTA trong đàm phán giữa Việt Nam với các đối tác, cụ thể là giữa Việt Nam với Hàn Quốc, tức là cơ chế tham vấn các doanh nghiệp. Vậy khi đối tác Hàn Quốc cũng như Việt Nam sẽ có những kênh tiếp cận cũng như cơ hội nào để cho các doanh nghiệp của Việt Nam cũng như là Hàn Quốc tham gia vào quá trình tham vấn để xây dựng các hiệp định?.

- Chúng tôi có một lịch trình để nghe ý kiến của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Sau khi kết thúc lịch trình tại Hà Nội, chúng tôi sẽ vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc với cơ quan chính phủ để có thể trao đổi hơn nữa và có thể biết được những khó khăn của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh. Làm thế nào để có thể lấy ý kiến của họ đưa vào những nội dung mà hai bên sẽ đàm phán. Chúng tôi mong muốn sẽ mở rộng được nhiều hơn nữa và thực hiện được nhiều hơn nữa những buổi hội thảo như thế này để có thể gặp gỡ được nhiều doanh nghiệp hơn.

Chúng tôi sẽ tiếp nhận tất cả mọi ý kiến của các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như Việt Nam liên quan đến vấn đề mà hai bên sẽ đàm phán.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên