Thay vì đòi tăng giá điện, EVN hãy tìm cách giảm giá thành
VOV.VN - Thay vì tăng giá điện nên đẩy mạnh cổ phần hóa là ý kiến của giới chuyên gia kinh tế khi nói về hoạt động của ngành điện hiện nay.
Tại cuộc họp công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định có lãi hơn 2.730 tỷ đồng. Tuy nhiên, EVN nêu lên những căng thẳng về nguồn cung điện trong thời gian tới và có hướng đến động thái sẽ tăng giá điện.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trên thực tế, vấn đề của ngành điện lâu nay vẫn đang khiến dư luận đặt câu hỏi về sự thiếu minh bạch của ngành này. “Giá điện và các vấn đề liên quan đến tỷ giá, lỗ và lãi… là cả một “mớ bùng nhùng” đã tồn tại trong suốt bao nhiêu năm nay mà ngành này cũng như các cơ quan liên quan chưa xử lý dứt điểm được”, ông Thịnh nói.
Hạch toán giá thành điện năm 2017, EVN vẫn báo có lãi tuy nhiên phương án tăng giá điện vẫn đang được tính đến trong năm 2019. (Ảnh minh họa: KT) |
“Ngành điện có một số khâu khó cổ phần hóa nhưng không phải khâu nào cũng khó. Nhiều khâu hoàn toàn có thể cổ phần hóa được như khâu phát điện, bán điện, xây dựng các dự án điện… hoàn toàn có thể tính toán và cổ phần hóa. Còn việc xây dựng các đường dây truyền tải thì đúng là không thể cổ phần hóa vì chỉ có 1 đường dây duy nhất”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Theo ông Thịnh, có những công đoạn khác nhau của quy trình sản xuất, bán điện đều có thể thực hiện theo quy luật của thương trường, hoàn toàn có thể cạnh tranh bình đẳng mà không thể độc quyền như cách mà ngành điện đang làm hiện nay. “Nếu chúng ta coi ngành điện là doanh nghiệp, thì khi doanh nghiệp vay vốn bằng cách nào, vay ở đâu, hoạt động thế nào, lỗ hay lãi là do vai trò của người quản trị doanh nghiệp đó quyết định. Lãi thì doanh nghiệp hưởng, lỗ thì phải chịu, thậm chí là phá sản, không có chuyện lãi anh hưởng, lỗ anh đổ lên đầu dân, đòi tăng giá điện để bù lỗ được. Như vậy là rất phi lý. Hiện EVN đang kinh doanh nhưng lại không theo kinh tế thị trường. Cái này cần phải xem lại”, ông Thịnh thẳng thắn.
Cũng theo vị chuyên gia này, vấn đề cần nhất hiện nay là phải rõ ràng, công khai, minh bạch và cần thiết phải đẩy mạnh CPH trong việc sản xuất cung cấp bán điện, để từ đó hướng ngành điện đến sản xuất cạnh tranh theo kinh tế thị trường. Khi sản xuất và phân phối điện theo hướng cạnh tranh, điện đến người dân với giá hợp lý nhất thì giá thành điện sẽ giảm đi rất nhiều. “Mấu chốt của vấn đề có cần thiết tăng giá điện hay không vẫn là phải quy được trách nhiệm cho những chủ thể nhất định và yếu tố cốt lõi là doanh nghiệp phải cổ phần hóa”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.
Giảm giá thành điện bằng nhiều cách…
Ở một góc độ khác, khi bàn về câu chuyện EVN báo lãi 2.730 tỷ năm 2017 nhưng vẫn có kịch bản tăng giá điện năm 2019, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nêu quan điểm, câu chuyện ngành điện kinh doanh có lãi nhưng vẫn có kế hoạch tăng giá dù có liên quan nhưng tương đối độc lập.
“Bất kỳ một đơn vị kinh doanh nào cũng phải có đầu tư và phát triển, tất cả để đảm bảo chi phí vận hành và đảm bảo phúc lợi cho đơn vị đó. Việc EVN vẫn nợ nước ngoài mà chưa thanh toán hết, con số khoảng 5.000 tỷ đồng trước hay sau vẫn phải thanh toán và phải trả dần. Chuyện lãi trong kinh doanh đã được EVN tính toán giữa thực tế chi phí cho sản xuất điện với tiền họ thu về được do bán điện thương phẩm”, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long nêu rõ.
Tuy nhiên, theo GS.VS.TSKH. Trần Đình Long, thay bằng việc có kế hoạch tăng giá điện, ngành điện vẫn có thể giảm giá thành sản xuất điện bằng nhiều cách. Vấn đề là liệu có có hiện thực hóa được những tiềm năng giảm giá thành sản xuất điện như giảm bớt tổn thất trên lưới điện hoặc tăng năng suất của người tham gia sản xuất điện, truyền tải điện… Nhưng khi nào ngành điện làm và làm được ở mức độ nào còn là vấn đề phức tạp.
Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh điện trong thời gian tới, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long nhận xét, EVN sẽ có nhiều khó khăn khi đã cảnh báo về khó khăn trong đầu tư sản xuất điện do một số khu vực miền Trung và Tây Nguyên lượng mưa ít, khó tích nước phục vụ thủy điện.
Đối với nguồn than phục vụ sản xuất điện, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long cho đây là vấn đề khó giải quyết, bởi than lộ thiên hiện đã khai thác hết số lượng, khi khai thác càng xuống sâu, giá thành sản xuất càng cao, thậm chí có một số thời điểm giá thành sản xuất than cao hơn giá than nhập khẩu.
“Tuy nhiên vừa rồi Chính phủ đã chỉ đạo ngành than cố gắng tăng năng suất để đảm bảo cung ứng cho nhiệt điện. Nếu đã có sự điều phối của Chính phủ như vậy thì dù cho dù giá than cao hơn giá nhập ngoại, EVN cũng phải mua để phát triển cân đối với nguồn cung than trong nước nhằm đảm bảo cung ứng cho nguồn điện”, GS.VS.TSKH. Trần Đình Long nêu rõ./.
Giá thành sản xuất điện tăng, EVN vẫn báo lãi hàng nghìn tỷ đồng