Tổng Giám đốc ANZ tại VN: Các ngân hàng cần tăng cạnh tranh
(VOV) -Quá trình tái cấu trúc ngân hàng tại Việt Nam trong năm 2012 đã giúp thị trường tài chính - ngân hàng có tính cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Đó là nhận xét của Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam,Tareq Muhmood, trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên VOV online về quá trình tái cấu trúc ngân hàng tại Việt Nam cũng như tác động của tình hình tài chính toàn cầu lên nền kinh tế trong nước.
PV: Ông đánh giá thế nào về tái cấu trúc ngân hàng ở Việt Nam hiện nay? ANZ có được hưởng lợi gì từ quá trình này không thưa ông?
Ông Tareq Muhmood: Chúng tôi rất quan tâm và thường xuyên thảo luận về vấn đề tái cấu trúc ngân hàng tại Việt Nam và cho đây là một hướng đi tốt đối với ngành tài chính ngân hàng. Chúng tôi coi mình là một bộ phận trong ngành và cảm nhận được rõ nét về những gì mà các ngân hàng tại Việt Nam đang trải qua.
Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam,Tareq Muhmood |
Theo tôi, tăng cường tính cạnh tranh là yếu tố then chốt giúp thị trường phát triển. Năm 2012 là một năm đầy khó khăn và trải qua nhiều biến động. Chúng tôi hy vọng quá trình tái cấu trúc ngân hàng sẽ đem lại cơ hội để tăng cường các mối quan hệ với khách hàng và thu hút vốn đầu tư.
Hiện chúng tôi là đối tác tin cậy của nhiều doanh nghiệp và khách hàng lớn trong nước và luôn sát cánh bên họ để giúp họ vượt qua những thách thức và tăng trưởng tốt trong thời gian tới.
PV: Ông có nghĩ rằng xu hướng sáp nhập các ngân hàng trong nước sẽ tạo ra những thách thức mới đối với các ngân hàng nước ngoài, trong đó có ANZ?
Ông Tareq Muhmood: Tôi cho rằng quá trình sáp nhập trong ngành ngân hàng là một dấu hiệu tốt khi các đơn vị sáp nhập tìm được hướng phát triển chung. Tuy nhiên, sẽ bất lợi nếu như chiến lược kinh doanh của họ không đồng nhất, khi đó các vấn đề mới có thể sẽ nảy sinh đối với nhân viên, hệ tầng công nghệ thông tin và khách hàng.
Hiệu quả của việc sáp nhập sẽ thể hiện rõ khi quy mô vốn và năng lực của ngân hàng được tăng lên.
Theo tôi, thách thức đôi khi cũng tạo ra những cơ hội mới. Tôi luôn hy vọng rằng những ngân hàng yếu kém sẽ tự nguyện sáp nhập hoặc tìm kiếm đối tác mạnh hơn để hợp tác cùng phát triển.
PV: Theo ông, khó khăn và thách thức của kinh tế thế giới và khu vực trong năm 2013 có ảnh hưởng như thế nào đối với Việt Nam?
Ông Tareq Muhmood: Các nhân tố chính tác động đến nền kinh tế thế giới đang cho thấy tín hiệu khả quan, mặc dù chưa đạt được kỳ vọng tăng trưởng. Kinh tế Mỹ hiện nay vẫn trên đà phục hồi nhưng chậm hơn so với dự báo trước đây. Châu Âu đang cho thấy những dấu hiệu sáng sủa trong khi kinh tế Trung Quốc không còn bi quan về tốc độ tăng trưởng chậm.
Việt Nam rõ ràng không thể miễn nhiễm với những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới khi vị trí của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu càng ngày càng được cải thiện. Đóng góp của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng tăng, đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng.
Hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tới Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhiều nhà máy chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về nhân công và cơ hội xuất khẩu.
Khủng hoảng kinh tế không loại trừ ai, ngay cả các ngân hàng quốc tế như ANZ cũng phải tái cấu trúc lại để thích ứng với tình hình mới và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Khó khăn không chỉ do tác động của các yếu tố bên ngoài mà chủ yếu từ các biến động của thị trường nội địa. Điều quan trọng đối với ngân hàng là bảng cân đối tài sản - yếu tố cơ bản vững chắc, bên cạnh thế mạnh tài chính để ngân hàng vượt qua khủng hoảng, quản lý rủi ro. Cần ý thức rõ hiện trạng của mình và hiểu rõ, nắm rõ cả tình hình doanh nghiệp của mình gặp thách thức khó khăn gì để hỗ trợ họ vượt qua.
PV: Xin cảm ơn ông!