Vinatex đầu tư gần 1.500 tỷ đồng vào Quảng Nam
VOV.VN - Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ xúc tiến đầu tư nhiều dự án mới, mở rộng các nhà xưởng hiện có tại Quảng Nam.
Theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Quảng Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong năm 2015, sẽ có nhiều dự án ngành dệt may được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Sau 2 năm thực hiện thực hiện biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đến nay, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến các bước thoả thuận, một số dự án mới, đầu tư cải tiến công nghệ, mở rộng sản xuất tại các nhà máy được triển khai thực hiện.
Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 91 doanh nghiệp may gia công xuất khẩu, với 564 dây chuyền may, hơn 28.000 máy móc, thiết bị các loại, giải quyết việc làm cho trên 27.000 lao động, với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Văn Phổ - Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho hay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết hiện đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án mới, cũng như tiếp tục mở rộng các nhà xưởng hiện có tại Quảng Nam để tăng quy mô sản xuất.
Đặc biệt trong năm 2015, Tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng Khu liên hợp sợi – dệt nhuộm – may Hương An (xã Hương An, huyện Quế Sơn) với quy mô 20ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.145 tỷ đồng. Dự án sẽ đầu tư Nhà máy sợi 3 vạn cọc, sản lượng 4.600 tấn/năm; Nhà máy Dệt nhuộm vải dệt kim với dây chuyền dệt – nhuộm vải dệt kim đồng bộ chất lượng cao, công suất 5.000 tấn/năm.
Ngoài ra, Tập đoàn còn xây dựng Nhà máy May Hương An công suất thiết kế 20 chuyền may dệt kim tương đương 20-25 triệu sản phẩm dệt kim/năm; đồng thời sẽ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải công suất 5.000m3/ngày đêm. Đến nay, dự án đã hoàn thành thoả thuận địa điểm với diện tích 6,7 ha, và hiện đang chờ mặt bằng sạch để triển khai.
Ông Đinh Văn Thu-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhận định, việc Tập đoàn Dệt may Việt Nam làm đầu mối kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may vào địa bàn Quảng Nam sẽ hỗ trợ thị trường cho các doanh nghiệp dệt may của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vùng nông thôn. Đồng thời sớm hoàn thành việc quy hoạch ngành dệt may của tỉnh để triển khai thực hiện./.