Xây dựng thương hiệu vẫn chưa được doanh nghiệp chú trọng
VOV.VN - Xây dựng thương hiệu đang là việc làm cấp bách và rất cần có một chiến lược dài hơi nhằm tạo dựng uy tín cho những mặt hàng chủ lực của đất nước.
Hiện đất nước đã và đang vươn ra biển lớn bằng việc đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại với các quốc gia trên thế giới. Hội nhập sâu rộng nhưng rất ít thương hiệu của nước ta được người tiêu dùng toàn cầu biết đến. Nhiều mặt hàng khi xuất khẩu sang các nước lại có mang nhãn mác khác mà không phải là “Made in Viet Nam”, cùng với đó là việc chưa chú trọng việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu khiến doanh nghiệp bị chiếm đoạt thương hiệu … Xây dựng thương hiệu đang là việc làm cấp bách và rất cần có một chiến lược dài hơi nhằm tạo dựng uy tín cho những mặt hàng chủ lực của đất nước.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, người nước ngoài biết đến thương hiệu Việt và sự ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt. Nguyên nhân chính là do chỉ có 20% doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đăng ký tại thị trường trong nước mà chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài. Điều này đang khiến nhiều doanh nghiệp chịu thiệt đơn, thiệt kép.
Đơn cử như đã có nhiều trường hợp, sản phẩm của doanh nghiệp nước ta rất nổi tiếng và được ưa chuộng trên thế giới như cà phê Trung Nguyên, mít sấy Vinamit, giày dép Bitis… do chưa chú ý đăng ký nhãn hiệu nên đã bị chiếm đoạt thương hiệu tại một số thị trường nước ngoài, gây tổn thất lớn trong việc mở rộng thị trường và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Tập trung xây dựng thương hiệu vào các mặt hàng có thế mạnh, có khối lượng đủ lớn và ổn định. |
“Hiện hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thấy hết được giá trị và tầm quan trọng của phát triển thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp được đánh giá mới có những hiểu biết ban đầu, tuy nhiên chưa nhận biết đầy đủ về phát triển thương hiệu. Thậm chí đối với nhiều doanh nghiệp lớn, đã sở hữu thương hiệu lớn tuy nhiên chưa hiểu biết chính xác giá trị thương hiệu của mình là bao nhiêu để đưa vào khai thác kinh doanh hợp lý”, bà Quỳnh nhận xét.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP thương mại và xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam cho rằng, muốn đẩy mạnh xuất khẩu buộc doanh nghiệp phải có thương hiệu. Do đó, mặc dù, mới có mặt trên thị trường 3 năm gần đây nhưng trong chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp luôn chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của mình.
Theo đó, công ty luôn giữ uy tín, làm ăn thật, đúng như cam kết, nói đi đôi với làm. Hiện công ty đang xuất khẩu các mặt hàng nông sản cao cấp và hữu cơ, không có hại cho sức khỏe sang các thị trường lớn như Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…Tuy nhiên, theo bà Phùng Thị Thu Hương, hàng hóa của nước ta khi xuất khẩu sang các nước vẫn chủ yếu ở dạng thô, chưa bán hàng theo đúng thương hiệu. Đây là điểm yếu rất lớn và cần phải khắc phục trong thời gian tới.
“Một số điều kiện liên quan đến bao bì nhãn mác, ID hay COS của những đơn vị sở tại, các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta vẫn chưa đáp ứng được. Do đó, các nước đã nhập sản phẩm thô của Việt Nam về và làm nốt các thủ tục còn lại nhằm đáp ứng các thị trường về mã vạch và thông tin sản phẩm. Vấn đề này đang đòi hỏi Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp cần nghiên cứu rõ khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, cần phải có điều kiện đính kèm khi đàm phán với đối tác để giữ đúng thương hiệu của mình”, bà Hương cảnh báo.
Các chuyên gia cho rằng, xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng hơn với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay xây dựng thương hiệu không chỉ là tấm giấy thông hành giúp doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia.
Do đó, đối với thị trường nội địa, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá thương hiệu giúp doanh nghiệp kéo khách hàng quay lại với các sản phẩm trong nước. Thêm vào đó, các ngành chức năng vào cuộc tích cực nhằm hướng dẫn chi tiết hơn để doanh nghiệp, doanh nhân hiểu được ý nghĩa sống còn của thương hiệu và phát triển thương hiệu. Phải đầu tư bài bản để nâng cao được giá trị hàng hóa. Đồng thời, chủ doanh nghiệp cũng nhìn nhận và có sự đầu tư thích đáng cho việc phát triển thương hiệu của sản phẩm của mình.
Ngay từ khi khởi nghiệp, doanh nghiệp cần đăng ký thương hiệu ngay. Khi có ý tưởng hình thành sản phẩm, doanh nghiệp cần đăng ký sở hữu trí tuệ, cùng với đó là hàng loạt những yếu tố khác như: bằng sáng chế, bằng sáng tạo... phải được làm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Nếu không làm tốt điều này thì rủi ro mất thương hiệu là rất lớn.
Xây dựng thương hiệu là điều kiện cần thiết nhằm nâng cao vị thế cho doanh nghiệp. |
“Việt Nam phải thay đổi quy trình sản xuất để tạo ra hàng nông sản có giá trị thương mại lớn, cũng như chú trọng đến việc làm thương hiệu liên kết giữa người sản xuất và người kinh doanh. Trong xu thế hiện nay, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là xu thế mà Việt Nam phải tính đến. Xu thế này thể hiện bằng việc thay đổi quy trình lựa chọn giống, canh tác và không sử dụng các yếu tố gây tổn hại đến môi trường. Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc chế biến và bảo quản sau thu hoạch góp phần tạo đà cho hàng nông sản đi ra thị trường một cách bền vững và ổn định”, ông Hải chỉ rõ.
Quá trình hội nhập hiện nay đã đang mang đến nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa nước ta ra nhiều thị trường. Nhưng điều này cũng sẽ dẫn đến việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chính vì vậy xây dựng thương hiệu doanh nghiệp là điều kiện cần thiết nhằm nâng cao vị thế cho doanh nghiệp cũng như mang lại nhiều giá trị thiết thực cho quốc gia./.
Thủ tướng: Xây dựng thương hiệu mạnh là phát huy ý chí tự cường dân tộc