Đối thủ khốc liệt mà đại gia taxi Việt Nam không ngờ tới
Dựa trên những gì đã diễn ra đối với ngành taxi, có thể kết luận: Trước năm 2014, Grab và Uber chính là các đối thủ tiềm năng của ngành Taxi Việt Nam.
Sự nhận thức muộn màng
Thực tế các đối thủ trong ngành đã có thời gian ít nhất 2 năm để có thể nhận ra rủi ro này và bắt đầu xây dựng các nền tảng để phòng vệ trước khi các đối thủ mới bắt đầu tham gia và chia sẽ lợi nhuận chung của ngành.
Cùng với biển cấm taxi, sắp tới Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ bổ sung biển cấm xe công nghệ trên các tuyến phố cấm (Ảnh: Anh Trọng/Tiền Phong) |
Tuy nhiên, phần lớn sự chú ý của những ông lớn trong ngành đã tập trung khá nhiều cho việc vun vén và bảo vệ vị thế trước các đối thủ taxi tiềm năng nội địa có cùng mô hình kinh doanh hơn là đề phòng trước những đối thủ mới có mô hình đột phá hơn.
Rõ ràng nếu chỉ xét đến những đối thủ tiềm năng tham gia với cùng mô hình kinh doanh taxi truyền thống, thì rào cản gia nhập ngành và cạnh tranh đối đầu với những ông lớn như Mai Linh hay Vinasun là tương đối cao.
Lý do là bởi, đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh taxi đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Chi phí để mua và phát triển đội xe có quy mô lớn như VNS hay Mai Linh là rất cao. Trong khi đó, khả năng chuyển đổi sang dịch vụ hoàn toàn mới của khách hàng không cao. Khách hàng thường trung thành với thương hiệu lớn, một DN gia nhập thị trường phải cần quá trình xây dựng lâu dài.
Một yếu tố cũng khiến cho các DN mới khó có thể cạnh tranh với ông lớn trong ngành là: Không có lợi thế về quy mô. Trong giai đoạn đầu phát triển với mạng lưới phân bố không đủ rộng sẽ tạo nên sự kém hiệu quả trong việc đón và rước hành khách từ đó sẽ làm cho giá thành cao.
Bảng giá cước tổng hợp |
Bên cạnh đó là rủi ro phản công từ các đối thủ trong ngành. Số lượng đối thủ trong ngành khá lớn và khả năng phản công từ các đối thủ có sẵn trong ngành khá cao sẽ hạn chế động lực tham gia ngành của các đối thủ tiềm năng.
Ở trên là những lý do làm cho các đối thủ cạnh tranh đầu ngành taxi Việt Nam cảm thấy tương đối an toàn trong một môi trường với rào cản gia nhập khá cao như vậy.
Nhưng rõ ràng Grab và Uber không tiếp cận ngành bằng mô hình truyền thống như VNS và Mai Linh. Họ không mang tới những chiếc taxi mới, họ mang tới một mô hình quản trị mới. Ở một góc nhìn khác, họ mang tới một sản phẩm có thể thay thế cho sản phẩm quản trị truyền thống.
Thế giới phẳng: góc nhìn mới về sản phẩm thay thế
Cho tới hiện tại, mốc tham chiếu hiện nay vẫn là ngành quản lý và khai thác dịch vụ taxi. Tại đây, các tài xế có thể được xem như nhóm các nhà cung cấp nguồn nhân lực để làm nên dịch vụ vận tải bên cạnh các nhà cung cấp khác như Toyota chẳng hạn.
Tuy nhiên, hãy nhìn ngược lại thế này: các công ty quản lý đội taxi không phải đi thuê các tài xế, mà chính các tài xế là khách hàng trực tiếp lựa chọn sử dụng nền tảng hạ tầng của các công ty quản trị taxi để làm nên dịch vụ vận chuyển cho các khách hàng cá nhân.
Và lương cứng hay hoa hồng có thể xem như lợi nhuận họ thu về trong hoạt động trung gian kết nối giữa công ty quản lý taxi và hành khách cá nhân. Và như vậy đã có sự hình thành nên ngành “tài xế taxi” là khách hàng trực tiếp sử dụng nền tảng hạ tầng vận tải của ngành “quản lý taxi”.
Với góc nhìn mới, nếu nhìn lại giai đoạn trước 2014, ngành “tài xế taxi” chỉ có một lựa chọn duy nhất là sử dụng nền tảng cơ sở hạ tầng có sẵn từ ngành “quản lý taxi truyền thống”. Và ở giai đoạn này, với vị thế của mình, các đối thủ đầu ngành “quản lý taxi truyền thống” như Vinasun hay Mai Linh vẫn tự tin là nhà cung cấp độc quyền nền tảng hạ tầng taxi cho khách hàng trực tiếp của mình là ngành “tài xế taxi”. Nhưng kể từ năm 2014 trở đi, như chúng ta đã biết, một sản phẩm thay thế hay một nền tảng quản trị taxi thay thế suất hiện và đáp ứng cùng nhu cầu sử dụng nền tảng hạ tầng của ngành “tài xế taxi”.
Doanh thu của Vinasun giảm mạnh |
Mô hình quản trị mới này có những điểm khác biệt rất lớn. Trước hết, thay vì phải “mượn” nền tảng vận tải là xe taxi của công ty quản lý taxi truyền thống, tài xế sẽ trực tiếp sở hữu và khai thác phương tiện.
Các tài xế hoàn toàn có thể thuê hoặc vay tiền mua xe để tham gia ngành. Bởi yếu tố sở hữu trực tiếp tài sản chứ không phải dùng chung trên một nền tảng vận tải của bên thứ hai, tài xế có trách nhiệm bảo quản và duy trì mức độ vệ sinh cũng như sự tiện nghi của xe cao hơn. Và từ đó có thể tạo nên chất lượng dịch vụ thoải mái cho hành khách cá nhân nhiều hơn.
Thay vì phải chịu sự điều phối từ tổng đài, tài xế sẽ bắt khách thông qua việc sử dụng nền tảng công nghệ là phần mềm nhận cuộc gọi taxi để có thể đến đón khách hàng trong khu vực lân cận. Và tài xế sẽ được chỉ dẫn cụ thể trên nền tảng GPS. Trải nghiệm trực tiếp từ các tài xế cho thấy nền tảng công nghệ mới giúp hiệu suất bắt khách cải thiện tối đa so với mô hình truyền thống.
Tài xế có thể nhận tỷ lệ hoa hồng ở mức cao hơn so với mức chia hoa hồng của các dịch vụ truyền thống. Đây là yếu tố tạo động lực để tài xế tâm huyết hơn với loại hình mới. Song, cũng cần để ý rằng, đối với những tài xế mong muốn sự ổn định trong thu nhập nhiều hơn sẽ có xu hướng thích chọn loại hình truyền thống, bởi lương cứng sẽ thấp hoặc thậm chí không có đối với loại hình mới.
Thực tế cho tới hiện tại, các công ty taxi truyền thống cũng đã dần chủ động phát triển phần mềm gọi taxi và nền tảng quản trị đội xe qua GPS cho riêng mình. Tuy nhiên, hiệu quả chưa theo kịp các phần mềm của mô hình mới, bởi phát triển phần mềm hoàn toàn không phải là hoạt động cốt lõi của các công ty truyền thống và việc thuê ngoài sẽ khó tạo nên sự uyển chuyển trong việc áp dụng phẩn mềm theo đặc trưng của từng công ty.
Đối với các công ty truyền thống trong ngành, đây không còn là vấn đề muốn lựa chọn loại hình kinh doanh nào, mà là khi nào doanh nghiệp sẽ quyết đoán để thay đổi theo những mô hình kinh doanh hiệu quả hơn hoặc sẽ phải chấp nhận áp lực đào thải từ từ của ngành.
Thông qua các phân tích của ngành taxi, có thể nhận thấy rằng, rủi ro đến từ các đổi thủ tiềm năng và các sản phẩm/loại hình kinh doanh thay thế luôn tồn tại một cách tiềm ẩn song song với vận động của ngành. Việc liên tục quan sát sự thay đổi trong các xu hướng ảnh hưởng đến rào cản gia nhập ngành cũng như các bước tiến trong lĩnh vực công nghệ có thể tạo ra những đối thủ có khả năng tham gia là vô cùng quan trọng không chỉ riêng đối với một nhà quản trị mà còn cho cả các nhà đầu tư. Việc nhìn ra được những rủi ro này và cân đối với tiềm năng của doanh nghiệp là một bước không bao giờ thừa trong việc đánh giá một cơ hội đầu tư./.
Dừng cấp phép thí điểm mới taxi Uber, Grab