Đơn hàng xuất khẩu gia tăng, Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD ngay trong quý I
VOV.VN - Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong Quý I/2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Thông tin tại họp báo tháng 3 của Bộ Công Thương chiều nay (29/3), Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong Quý I đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Đơn đặt hàng tăng - xuất khẩu khởi sắc
Tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hoá ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong quý này, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DN 100% vốn trong nước đạt 26,2%, tăng gần gấp đôi so với mức tăng trưởng của khu vực DN FDI kể cả dầu thô, cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Trong quý I có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong quý I đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu quý I giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tháng 3 tiếp tục thặng dư khoảng 2,93 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,45 tỷ USD của cùng kỳ năm trước, nâng tổng xuất siêu trong quý I là 8,08 tỷ USD”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin.
Khẳng định xuất khẩu khởi sắc tạo đà cho nền kinh tế phục hồi, phát triển vững chắc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phân tích, kết quả xuất khẩu có sự khởi sắc trong quý I là do số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng. Những nỗ lực trong việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
“Bên cạnh những kết quả khả quan, hoạt động xuất, nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường chính. Đóng góp của các DN trong nước vào hoạt động xuất khẩu vẫn còn hạn chế. Do đó để giữ vững đà tăng trưởng, Bộ Công thương sẽ cùng với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng các FTA hiện tại, nâng cấp các FTA để mở rộng thị trường, gia tăng khả năng xuất khẩu của hàng Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý.
Đa dạng hóa thị trường từ khai thác hiệu quả các FTA
Để làm rõ giải pháp hỗ trợ DN xuất khẩu hàng hoá trong những tháng tiếp theo, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu, kịp thời hỗ trợ DN điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường mới.
“Về giải pháp đa dạng hóa thị trường, trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ DN khai thác có hiệu quả các FTA; đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ DN chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu. Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, ông Trần Thanh Hải nêu giải pháp.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, để tăng cường hoạt động hỗ trợ xuất khẩu trong năm 2024, Bộ này tiếp tục duy trì đều đặn các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường sở tại; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện… có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và DN xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, Bộ Công Thương chú trọng tăng cường năng lực cho các DN kiến thức về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế và cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương để chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, duy trì thường xuyên công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất và cộng đồng DN.