Dự án đường sắt đô thị đội vốn 200%, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói gì?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Nếu chậm tiến độ kéo dài và làm tăng vốn vốn đầu tư sẽ làm mất niềm tin của người dân.
Nghiên cứu, thiết kế sơ sài
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trong buổi làm việc ngày 12/9, với Hà Nội, TP HCM cùng "mổ xẻ" các nguyên nhân chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư của các dự án đường sắt đô thị.
Theo ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), tất cả dự án đường sắt đô thị đều tăng tổng mức đầu tư từ 60% đến gần 200%.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng cho biết, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đều tăng tổng mức đầu tư 60 - 70%, thậm chí có dự án còn tăng đến 200%.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư nhìn nhận, hiểu biết của các đơn vị thực hiện trong nước còn kém nên phải dựa vào tư vấn của nhà tài trợ. Nâng tổng mức đầu tư nghĩa là nhà tài trợ đã buộc chúng ta phải vay thêm một khoản tiền tương đối lớn.
Nhìn nhận tổng quan, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng đã đến lúc cần rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh, chấn chỉnh những yếu kém để đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị. Đây là dự án lớn dùng vốn vay nước ngoài và người dân là người nộp thuế. Nếu chậm tiến độ kéo dài và làm tăng vốn vốn đầu tư sẽ làm mất niềm tin của người dân.
Về nguyên nhân thay đổi tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, do chưa có tiền lệ thực hiện dự án đường sắt, cũng như chưa có con người đủ kiến thức, bản lĩnh để nghiên cứu thấu đáo nên khâu chuẩn bị đầu tư sơ sài, đưa ra tổng mức ban đầu rất thấp nên phải điều chỉnh sau này. Thậm chí đáng lẽ làm quy hoạch trước thì chúng ta làm ngược, lập hướng tuyến đường sắt trước khi có quy hoạch.
Bộ trưởng Thăng yêu cầu Vụ Kế hoạch Đầu tư lập báo cáo nêu rõ các nguyên nhân chủ quan cụ thể của các cơ quan và công khai nguyên nhân chậm tiến độ, thay đổi tổng mức đầu tư cho người dân biết. Nếu không, người dân sẽ thiếu lòng tin, nghi ngờ việc thực hiện dự án, thấy xót xa khi đồng tiền không sử dụng hiệu quả.
"Phải làm rõ trách nhiệm của Bộ ngành và các địa phương, không né tránh trách nhiệm, không đùn đẩy cho ai, không đổ lỗi cho khách quan", ông Thăng nói.
Hàng loạt dự án đội vốn
Hiện, trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM đang có 16 dự án ĐSĐT đã được phê duyệt và đang triển khai. Song, dự án nào cũng vấp phải tình trạng đội vốn, có những dự án mới phê duyệt và rà soát lại trên giấy tờ thì mức đầu tư đã tăng gâp 2 lần.
Tại Hà Nội, dự án tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo được phê duyệt vào tháng 11/2008, với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, có chiều dài 11,5km. Trong đó, vốn vay JICA là 16.485 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 3.079 tỷ đồng). Thời gian thực hiện từ 2009-2015.
Tuy nhiên, ngay từ khi ký kết dự án và rà soát lại thì dự án này đã đội vốn khủng, dự kiến mức tăng lên khoảng 51.750 tỷ đồng (tăng 164%), gấp gần 3 lần so với dự kiến ban đầu. Về tiến độ thực hiện, dự án này cũng triển khai chậm so với kế hoạch ban đầu khoảng 3 năm, và với tiến độ thực hiện như hiện nay thì con số sẽ không dừng lại ở mức này. Hiện, dự án đang được Chính phủ và Bộ KH- ĐT thuê thẩm tra độc lập để xem xét về việc tăng mức đầu tư khủng.
Hay như dự án ĐSĐT tuyến Cát Linh- Hà Đông cũng được điều chỉnh tăng thêm 339 triệu USD và theo chủ đầu tư thì thời điểm chốt hoàn thiện dự án là 31/12/2015 cũng đang rất căng vì nhiều hạng mục đang chậm.
Tương tự, trên địa bàn TP HCM, các dự án ĐSĐT cũng đều chậm và đội mức đầu tư lớn. Cụ thể như tuyến Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt vào năm 2007, với mức đầu tư là 17.387 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2007-2018.
Song, dự án này cũng đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư vào năm 2011 là 47.325 tỷ đồng (tăng 172%), hoàn thành năm 2019, đưa vào vận hành năm 2020.
Như tuyến Nhổn – Ga Hà Nội trước đây định làm ngầm từ Núi Trúc đến Ga Hà Nội rồi lại thay đổi. Chưa làm gì mới rà soát trên giấy đã tăng 70%, ban đầu chỉ có 530 triệu EURO. Khi bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật đã tăng lên hơn 1,1 tỉ EURO.
Trước đó, ngay 18/8, Bộ GTVT vừa “tước” quyền chủ đầu tư các dự án vốn ngân sách, vốn ODA đã giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam.
Nói về lí do cụ thể dẫn tới quyết định chuyển chức năng chủ đầu tư 18 dự án đường sắt cùng lúc, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh: “Tiến độ thực hiện các dự án đường sắt chậm và chất lượng không đảm bảo, ở các dự án có vốn vay ODA thì việc quản lý và sử dụng nguồn vốn không hiệu quả”./.