Việc chuyển chức năng chủ đầu tư này được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt vốn trì trệ từ nhiều năm nay.
Sẽ không còn dự án chẳng hẹn ngày về đích
Theo Quyết định được Bộ trưởng Đinh La Thăng ký hồi tháng 8 vừa qua, 18 dự án đường sắt của VNR và Cục Đường sắt VN được chuyển về Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Trong đó, Cục Đường sắt VN có ba dự án đang chuẩn bị đầu tư và hai dự án đang thực hiện là tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân và đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.
VNR có 6 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và 7 dự án đang thực hiện đầu tư. Đáng chú ý là các dự án rất lớn đang thực hiện đầu tư như: Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn 1 và giai đoạn 2; Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai; Hiện đại hóa thông tin tín hiệu các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội (giai đoạn 1)...
Điều đáng nói là gần như toàn bộ các dự án này đều trong cảnh chậm tiến độ. Cá biệt, Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng chậm đến 6 năm. Dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh - TP HCM còn chậm cả 7 năm trời mà chưa hẹn ngày về đích.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được đẩy nhanh tiến độ sau 2 tháng chuyển về Bộ GTVT
Thêm vào đó, các dự án còn luôn “khát” vốn và phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần do thời gian thực hiện kéo dài. Thậm chí Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh do VNR thực hiện còn bị phía nhà tài trợ tạm dừng giải ngân.
Ngoài chậm tiến độ, công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh một số dự án đầu tư hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt cao hơn gần gấp hai lần so với thực tế. Hệ thống điện khí tập trung áp dụng đối với thiết bị liên khóa tại ba dự án không đồng bộ công nghệ. Việc khảo sát, thiết kế hệ thống tổng đài chưa sát thực tế.
Ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, nguyên nhân chậm có nhiều, nhưng tựu chung là do thiếu vốn, chậm thanh toán khối lượng hoàn thành, năng lực nhà thầu có hạn và chậm GPMB. Thậm chí có dự án còn chồng lấn nhau.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng Giám đốc Ban QLDA đường sắt (đơn vị mới được chuyển về Bộ GTVT) cho biết, các dự án đường sắt do Ban QLDA đường sắt của Cục Đường sắt VN quản lý trước đây đều chậm tiến độ đến vài năm. Mấu chốt vẫn là khâu GPMB chậm, việc thay đổi nhiều hạng mục cũng dẫn đến dự án thực hiện chậm.
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ
Cũng vì những lý do các dự án đường sắt trì trệ và chậm tiến độ kéo dài, Bộ GTVT đã có chủ trương chuyển về Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Cho đến nay, các dự án do Cục Đường sắt VN quản lý đã được chuyển về Ban QLDA đường sắt của Bộ GTVT. Dự kiến, ngay trong tháng 9 này, các dự án đường sắt do VNR làm chủ đầu tư trước đây cũng sẽ được bàn giao xong về Bộ GTVT.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, chuyển các dự án đường sắt về Bộ để lãnh đạo Bộ có thể chỉ đạo trực tiếp, sâu sát hơn, rõ hơn nữa chủ thể quản lý. Đây cũng chính là bước sắp xếp lại, tái cơ cấu VNR và cả Cục Đường sắt VN. Cả VNR và Cục Đường sắt VN có khoảng 6 Ban QLDA đường sắt.
“Việc bàn giao các dự án về Bộ sẽ không có gì phức tạp và không ảnh hưởng nhiều, từ giải ngân đến đôn đốc thi công đều do một đầu mối là Ban QLDA thực hiện. Chỉ khác trước kia Cục Đường sắt VN và VNR đóng vai chủ đầu tư, phê duyệt phương án và đôn đốc thi công, nay Bộ GTVT sẽ làm việc này. Cục Đường sắt VN sẽ có trách nhiệm rõ ràng hơn trong tham mưu cho Bộ thực hiện dự án đường sắt tốt hơn. Còn VNR sẽ tập trung kinh doanh kết cấu hạ tầng theo đúng chủ trương chung”, Thứ trưởng Đông nói.
Thực tế, sau khoảng hai tháng chuyển giao dự án đường sắt về Bộ GTVT, tiến độ một số dự án đường sắt đã có khả quan hơn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, từ khi tiếp nhận Dự án đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh về Bộ đến nay, tiến độ đã được đẩy nhanh hơn trước rất nhiều, nhờ tháo gỡ được những vướng mắc trong thi công, mặt bằng. Trong đó, đáng kể nhất là tiến độ đúc dầm đã đạt được 3 phiến dầm/ngày. Trước đây chỉ đạt 1,5 - 2 phiến dầm. Chỉ trong hai tháng qua đã đúc được 150 phiến dầm, bằng một nửa so với số lượng dầm đã làm được từ tháng 10/2013 đến tháng 7/2014. Đến nay, đã đúc được hơn 360 phiến dầm trên tổng số 806 phiến. Lao lắp được 4 km dầm. Với tiến độ này, đến tháng 5/2015 sẽ xong toàn bộ phần lao lắp dầm, hoàn thành dự án vào cuối năm sau.
Hay như Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành vào quý III năm sau. Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn quyết định sẽ rút ngắn tiến độ hoàn thành vào quý I.
Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, sẽ đẩy nhanh dự án xây dựng khu tái định cư ở Làng Đen, xã Đồng Tuyển để bố trí cho các hộ dân cư nằm trong diện tích còn lại của ga Lào Cai và sắp xếp, ổn định cuộc sống. Đối với huyện Bảo Yên, công tác GPMB sẽ xong trong tháng 9 và tháng 10 để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công./.