Dự án giao thông 1.500 tỷ chậm tiến độ, tính toán sai chi phí giải phóng mặt bằng
VOV.VN - Là dự án giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng nhưng dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang bị chậm tiến độ và tính toán sai chi phí mặt bằng. Chủ đầu tư đang phải kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh dự án.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột đang bị chậm tiến độ. Dự án này có tổng mức đầu tư 1.509 tỷ đồng, đi qua các huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắc và Thành phố Buôn Ma Thuột, do Bộ GTVT quyết định đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến hết năm 2023.
Đến thời điểm này, việc giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà thầu thi công mới được 18km trong tổng số 39,6km toàn tuyến, đạt 45,4%. Trong khi đó, theo kế hoạch giải phóng mặt bằng phải hoàn thành trước 30/6/2022.
Ở hạng mục thi công, tiến độ dự án càng chậm trễ khi khối lượng mới chỉ đạt khoảng 67 tỷ đồng, đạt chưa đầy 7% trong tổng giá trị các gói thầu là 971 tỷ đồng.
Ông Phan Xuân Bách, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, việc triển khai dự án đang có nhiều bất cập. Đặc biệt, việc tính toán chi phí giải phóng mặt bằng không sát với thực tế, thiếu hụt hơn 100 tỷ đồng. Ban đã làm đề xuất gửi Bộ GTVT điều chỉnh dự án.
Cụ thể, chi phí giải phóng mặt bằng được đề xuất tăng từ 394 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Để có thể tăng tiền đền bù giải phóng mặt bằng, sẽ phải cắt giảm đầu tư ở nhiều hạng mục thi công như giảm lớp đá dăm tiêu chuẩn, lớp láng nhựa 2 lớp và gia cố lề đường.
“Tiến độ này đúng là chậm so với kế hoạch đề ra, công tác giải phóng mặt bằng không đảm bảo theo kế hoạch chung. Vừa rồi, UBND tỉnh và Thứ trưởng Bộ GTVT họp để đẩy nhanh tiến độ thì tỉnh cân đối trong trung hạn không có nguồn. Bộ cũng đã có phân bổ vốn trung hạn, nên không có nguồn. Bây giờ phải rà soát lại, cắt giảm một số hạng mục để đẩy kinh phí sang cho đền bù, giải phóng mặt bằng”, ông Phan Xuân Bách thông tin./.