Dự án sân bay Long Thành chậm tiến độ: Nhìn lại năng lực doanh nghiệp
VOV.VN - Cần làm rõ trách nhiệm cụ thể để xử lý đối với từng chủ thể của dự án trọng điểm quốc gia này, mới có phương án xử lý, khắc phục tiến độ của toàn bộ dự án.
Việc Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm gây chậm tiến độ sân bay Long Thành của các bên liên quan, nhất là xem xét lại năng lực của Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) một lần nữa được đặt ra. Đây là dự án trọng điểm quốc gia với mốc tiến độ năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1, nhưng nguy cơ chậm tiến độ là hiện hữu. Vì vậy, cần làm rõ trách nhiệm cụ thể để xử lý đối với từng chủ thể của dự án trọng điểm quốc gia này, mới có phương án xử lý, khắc phục tiến độ của toàn bộ dự án.
Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015 ngày 25/6/2015, yêu cầu chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1. Trong khi đó, tại cuộc họp về tiến độ dự án sân bay Long Thành mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ rõ việc đấu thầu không thành công gói thầu 5.10 lần 1, thể hiện sự hạn chế, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp của ACV trong triển khai thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án trọng điểm của Nhà nước.
Trong khi đó, với việc ACV được giao hạng mục 3 là các công trình thiết yếu, quan trọng nhất của dự án, song cũng là hạng mục đang chậm tiến độ nhất hiện nay. Vì vậy, việc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần truy rõ trách nhiệm trong việc chậm trễ về tiến độ sân bay Long Thành càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa đôn đốc, nhắc nhở, thúc đẩy tiến độ của dự án trọng điểm quốc gia trong giai đoạn tới.
Trao đổi về giải pháp tháo gỡ các “nút thắt” để đầu tư xây dựng dự án, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ, cần có tư duy đổi mới, cách làm đột phá đối với dự án trọng điểm quốc gia. Từ đó mới hy vọng từng bước tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng, đảm bảo tiến độ và hiện thực hóa sân bay trung chuyển của khu vực.
“Nhà nước hãy tạo ra bước đột phá bằng thay đổi cách thức. Trong thời điểm này nên chỉ định những trường hợp đặc biệt như Sân bay Long Thành, để giải quyết vấn đề nổi cộm hiện nay là tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển. Chỉ có như vậy mới giải quyết “điểm nghẽn” hàng không này và là mấu chốt để phát triển”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ.
Trong Công điện mới nhất ngày 18/4, Thủ tướng cũng nêu rõ, Bộ GTVT với tư cách cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại ACV), cần khẩn trương chỉ đạo đánh giá năng lực triển khai dự án của ACV. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong tổ chức đấu thầu gói thầu số 5.10. Theo dõi, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu số 5.10 để có các phương án khả thi hiệu quả, nhằm lựa chọn được nhà thầu có năng lực thực sự trong tháng 5 này. Trong trường hợp ACV không đủ năng lực, phải đánh giá kỹ lưỡng, chính xác để có phương án xử lý phù hợp, hiệu quả; dứt khoát không để tình trạng kéo dài, chậm tiến độ và chưa rõ hướng xử lý khả thi, hiệu quả như vừa qua.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, cần huy động nguồn lực tổng thể từ các khu vực kinh tế tư nhân có năng lực hợp tác với nhau, trong đó ACV là hạt nhân để huy động nguồn lực vào đầu tư xây dựng hạ tầng hàng không, trong đó có sân bay Long Thành, cũng là một phương án chung.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN, nêu giải pháp, trong trường hợp DN cảng hàng không không có đủ điều kiện, có thể cho tư nhân xây dựng. “Đề nghị Bộ GTVT cần sửa đổi các Thông tư để thu hút các nguồn lực đầu tư cho hiệu quả hơn. Từ đó tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng để phát triển hạ tầng hàng không trong thời gian tới”, ông Cảnh nêu.
Theo yêu cầu của Chính phủ, ACV phải chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai dự án thành phần 3; rà soát năng lực và việc tổ chức thực hiện dự án trong thời gian qua. Rà soát hồ sơ mời thầu bảo đảm lựa chọn được nhà thầu đáp ứng đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả theo quy định và nhiệm vụ được giao.
Nhìn nhận ở góc độ vĩ mô về trách nhiệm của các bên liên quan tới tiến độ của dự án trọng điểm quốc gia, TS. Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm, đầu tư hạ tầng hàng không có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Do vậy, việc phân vai, phân rõ trách nhiệm và truy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm là những bước thực hiện để mang lại hiệu quả.
“Ở đây phải tách bạch vấn đề. Bộ GTVT giám sát như thế nào và vai trò của địa phương đã bàn giao mặt bằng sạch để tiến hành dự án hay chưa. Bây giờ theo luật cũng đã rõ từng khâu, vì thế các cơ quan trực thuộc Chính phủ đều phải tập trung thực hiện, đảm bảo tiến độ Chính phủ cam kết với Quốc hội”, TS. Nguyễn Đức Kiên làm rõ.
Theo chuyên gia về hàng không, TS. Nguyễn Thiện Tống, việc đấu thầu không thành công lần 1 gói thầu quan trọng 5.10 cho thấy năng lực quản lý dự án của ACV có vấn đề. Không chỉ năng lực quản lý dự án, vấn đề dòng tiền để triển khai sau khi đấu thầu thành công cũng sẽ là một khó khăn cần phải tính toán để lường trước các tình huống. Theo vị chuyên gia này, cần thành lập 1 công ty quản lý chuyên nghiệp để triển khai dự án lớn như sân bay Long Thành là một phương án có thể tính tới.
Còn chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh phân tích, cần rút kinh nghiệm trong việc đầu tư công nếu chưa tính toán hệ thống giao thông kết nối hạ tầng hàng không. Vấn đề cung cấp nguồn lực tài chính cho Sân bay Long Thành rất quan trọng. Tiếp đó là các vấn đề liên quan tới điều chỉnh các yêu cầu về kỹ thuật hiện đại cũng cần chi tiết, cụ thể để đáp ứng yêu cầu về tiến độ dự án, nhất là công nghệ phát triển hàng không. Quan trọng nhất là đảm bảo tính đồng bộ để khi dự án hoàn thành khai thác mới có hiệu quả.
Báo cáo gửi Chính phủ của Bộ GTVT cho biết, việc san nền dự án Long Thành mới đạt hơn 71 triệu m3 trên tổng số 115 triệu m3 (đạt hơn 62%). Đường băng của dự án và nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) trị giá 35.233 tỷ đồng vẫn chưa rõ tiến độ hoàn thành. Điều đáng quan tâm là sau khi hủy thầu lần 1 trong tháng 1, ACV phát hành hồ sơ mời thầu lần 2, ấn định đóng thầu vào ngày 28/3. Tuy nhiên, sau đó DN này tiếp tục phải gia hạn thời gian mở thầu thêm 1 tháng (sang ngày 28/4). Nếu thành công, tiến độ hoàn thành ít nhất kéo dài tới tháng 12/2026, thay vì cuối năm 2025 như mốc được Quốc hội phê duyệt trước đó./.