Dự án Vành đai 3 TP.HCM: Chỉ định thầu phải đi kèm thưởng – phạt
VOV.VN - Chỉ định thầu là một hình thức lựa chọn nhà thầu từng gây nhiều hệ lụy, tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong việc đánh giá năng lực nhà thầu. Loại hình này bên cạnh các ưu điểm như nhanh, thủ tục đơn giản thì cũng có những hạn chế như dễ xảy ra tiêu cực do “một mình một ngựa”.
Vành đai 3 TP.HCM được quy hoạch năm 2011 với tổng chiều dài hơn 90 km, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, có vai trò chiến lược trong hình thành mạng lưới giao thông liên kết các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, sau 11 năm, tuyến đường này mới chỉ hoàn thành được đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương). Hiện Chính phủ cũng như các địa phương đang rất quyết tâm khép kín tuyến Vành đai này để thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhiều cơ chế đặc biệt đã được vận dụng để gỡ các vướng mắc, trong đó đặc biệt là cơ chế chỉ định thầu, được xem là yếu tố quyết định sự thành công của dự án.
Tại sao lại là chỉ định thầu?
Chỉ định thầu là một hình thức lựa chọn nhà thầu từng gây nhiều hệ lụy, tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong việc đánh giá năng lực nhà thầu. Loại hình này bên cạnh các ưu điểm như nhanh, thủ tục đơn giản thì cũng có những hạn chế như dễ xảy ra tiêu cực do “một mình một ngựa”.
Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đang là điểm mấu chốt về tiến độ đối với dự án, đặc biệt là dự án giao thông. Do vậy, các cơ chế chỉ định thầu các gói thầu có liên quan như: di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư... là đặc biệt quan trọng và ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Theo đó, cần áp dụng cơ chế chỉ định thầu tư vấn nhưng đưa ra “hàng rào kỹ thuật”, là hồ sơ yêu cầu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các đơn vị. Đơn vị tư vấn nào đáp ứng được sẽ đưa vào danh sách để lựa chọn và ngược lại. Do vậy, chỉ định tư vấn sẽ lựa chọn được các đơn vị có năng lực và rút ngắn thời gian, đảm bảo các yêu cầu về tiến độ.
Các gói thầu xây lắp dự án thành phần được đề xuất chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm; trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu. Đối với các gói thầu xây lắp, UBND các tỉnh, thành phố tùy vào quy mô các dự án thành phần để báo cáo các cấp có thẩm quyền chấp thuận danh sách nhà thầu dự kiến trước khi thực hiện chỉ định.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho rằng, với dự án lớn, khối lượng giải phóng mặt bằng, thi công lớn trải dài qua các địa phương nên việc đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ.
“Về đấu thầu, chúng ta xin một cơ chế rất mới là chỉ định thầu tất cả các gói thầu xây lắp, tư vấn, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện theo trình tự của pháp luật về đấu thầu. Đây là lần thứ 2 chúng ta áp dụng cơ chế này, lần thứ nhất là cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Quốc hội đã có Nghị quyết 43, 44, Chính phủ có Nghị quyết 18 áp dụng cơ chế này”, ông Lương Minh Phúc cho biết.
Chỉ định thầu kèm cơ chế thưởng – phạt
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Vành đai 3 là một dự án rất lớn, có ý nghĩa với sự phát triển của cả nước chứ không riêng TP.HCM hay vùng Đông Nam Bộ. Do đó, việc triển khai cần có các cơ chế đặc biệt. Ông Thiên rất tán thành cơ chế chỉ định thầu nhưng đề nghị cần có các điều kiện ràng buộc chặt chẽ để tránh “cựa quậy” nhũng nhiễu, đặc biệt là đi kèm điều kiện “thưởng, phạt"; có cơ chế khuyến khích, tạo mọi điều kiện hỗ trợ…
“Phải thay đổi toàn bộ cơ chế khuyến khích hành động. Nếu ta làm được cái này và có thêm điều kiện gọi là chế độ thưởng người làm giỏi, thưởng người làm kết quả tốt thì lúc đó cơ chế này sẽ thành công. Tôi cho rằng đến lúc này chúng ta đủ khôn ngoan, đủ tài trí để đối phó với tất cả những mưu mẹo kiếm chác. Nó rõ ra hết rồi chỉ có điều chúng ta có làm không thôi. Đây là coi như một dự án sống còn của quốc gia thì chúng ta nên áp dụng những cái đấy cho rõ ràng”, PGS. TS. Trần Đình Thiên nêu rõ.
Cũng ủng hộ chỉ định thầu, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, cần phải quyết tâm làm cho bằng được Vành đai 3 và xem đây là ví dụ để làm các dự án tiếp theo, như Vành đai 4; phải chứng minh được đây là cách làm tốt, sửa lại các quy định đang gò bó sự phát triển.
“Hiện nay cần thống kê ngay trong các diện tích cần giải phóng mặt bằng thì tình trạng pháp lý, thực trạng pháp lý của những mảnh đất này là như thế nào, có tranh chấp gì và giải pháp để khắc phục như thế nào? Chuyện này mà cứ cãi nhau mãi thì sẽ không hoàn thành được tiến độ đề ra”, ông Nguyễn Tú Anh nêu ý kiến.
Đồng tình quan điểm trên, GS. TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM cho rằng, cần phải đưa ra các yêu cầu, trách nhiệm ràng buộc rõ ràng đối với các nhà thầu, bởi việc này quyết định thời gian triển khai dự án: “Đề nghị trong nghiên cứu chi tiết, nghiên cứu khả thi, chúng ta phải đánh giá và lựa chọn quy mô cũng như năng lực của các nhà thầu sao cho phù hợp, tránh trường hợp lợi ích nhóm có thể làm kéo dài dự án. Cần có những cơ chế, giải pháp để cân đối lựa chọn các nhà thầu và đặc biệt là đưa ra những yêu cầu về trách nhiệm ràng buộc rõ ràng”.
Trong khi đó, TS. Ngô Châu Phương, Đại học Giao thông vận tải TP.HCM đánh giá, hiện nay hình thức chỉ định thầu vẫn làm theo phương pháp trình tự, tức là công tác thiết kế xong rồi mới đến đấu thầu xây lắp. Do đó, ông Phương đề xuất tích hợp cả thiết kế và xây lắp để huy động được nguồn lực nhà thầu tham gia dự án (có thể là hình thức tổng thầu EPC). Cần tận dụng nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu vào các công đoạn, áp dụng trực tiếp công nghệ mới vào thực hiện dự án như xử lý nền, vật liệu mới, giải pháp kết cấu đường… để tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hoà Bình cho rằng, dự án Vành đai 3 rất lớn, đi qua 4 địa phương nên phức tạp hơn về công tác quản lý sau khi chủ trương và báo cáo nghiên cứu khả thi được thông qua. Dự án có 4 cấu phần ở 4 địa phương, với 8 dự án thành phần, vừa "chạy" giải phóng mặt bằng, vừa chỉ định thầu nên phải chọn đúng nhà thầu. Theo ông Lê Hoà Bình, việc chỉ định thầu cứ tưởng là đơn giản hơn đấu thầu nhưng rất phức tạp, bởi phải chọn được nhà thầu đủ năng lực thi công và phải phối hợp tốt với cả 4 địa phương mà Vành đai 3 đi qua.
“Chỉ định thầu như thế nào để làm sao để chúng ta đảm bảo được năng lực của nhà thầu, đảm bảo công khai, minh bạch, chọn được đúng nhà thầu để thực hiện. Chúng tôi hiểu áp lực về mặt thời gian nhưng cũng yêu cầu rất cao về mặt chất lượng với tổng mức đầu tư vô cùng lớn. Cái này rất khó, xét rất nhiều yếu tố để chọn được nhà thầu đủ năng lực, làm sao đảm bảo để thi công và phối hợp được với cả 4 địa phương”, ông Lê Hoà Bình nói.
Theo kế hoạch, dự án Vành đai 3 sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022. Sau khi được thông qua, dự án sẽ khởi công năm 2023, thông xe năm 2025, hoàn thành toàn bộ năm 2026. Đây là tiến độ rất thách thức nhưng theo nhiều chuyên gia tham gia vào dự án Vành đai 3, trong 20 năm qua đây là lần đầu tiên có một dự án rất đẹp và ý nghĩa; hội tụ đủ cả thiên thời địa lời, nhân hoà, ý Đảng, lòng dân, khát vọng của 20 triệu dân Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là một nhiệm vụ, một giấc mơ phải hoàn thành, một lời hứa phải thực hiện...thực sự là “con gà cao sản đẻ trứng vàng”./.