Đưa kĩ thuật mới phát triển cây ăn quả chất lượng trên đất đồi Yên Bái
VOV.VN - Yên Bái phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa, mang tính bền vững, nên đang tích cực nghiên cứu, đưa các giống mới, kỹ thuật mới vào thử nghiệm, kiểm chứng để nhân rộng.
Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (Dự án 3) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, định hướng của tỉnh Yên Bái là phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa, mang tính bền vững. Các địa phương đang tích cực nghiên cứu, đưa các giống mới, kĩ thuật mới vào thử nghiệm, kiểm chứng để nhân rộng.
Trồng cây ăn quả cho thu nhập cao gấp 3 - 5 lần so với trồng các loại rau màu khác, đây là lợi thế khiến các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngày càng gia tăng về diện tích và sản lượng. Tuy nhiên phát triển cây ăn quả lại luôn đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá". Trước thực trạng này, ngành chức năng và chính quyền các địa phương ở Yên Bái đã có nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài.
Gia đình bà Trần Thị Dung ở thôn 4, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái trồng cây ăn quả hơn 10 năm nay. Câu chuyện thăng trầm về giá hoa quả trở nên quá quen thuộc đối với gia đình. Tuy nhiên, theo bà Dung, khi cây ăn quả được mùa, sản lượng sẽ bù cho giá cả, nguồn thu sẽ không bị giảm quá nhiều như những năm được giá nhưng mất mùa. Ví dụ như năm nay, mặc dù giá quả nhãn giảm đến 1/2, thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng sản lượng lại tăng gấp đôi so với năm trước, bởi vậy thu nhập cũng chỉ giảm 15% - 20% so với năm ngoái.
“Gia đình sở hữu đất đai rộng nên không trồng 1 thứ quả mà trồng nhiều loại. Phương châm là lấy số lượng nhiều để bù đắp khi giá cả giảm, nếu chỉ trồng một vài cây chắc chăn sẽ thua lỗ nên nhìn chung cây ăn quả cũng giúp gia đình ổn định thu nhập”, bà Dung cho biết.
Bên cạnh việc lấy quy mô, sản lượng bù cho giá cả, việc áp dụng giống mới cũng như tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây ăn quả được nhiều gia đình ở Nghĩa Lộ áp dụng, nhằm tạo ra những loại cây ăn quả có chất lượng, mẫu mã đẹp hơn, giá thành cao hơn.
Gia đình ông Thào Nhà Của, ở thôn Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải là một trong những hộ tiên phong trồng cây hồng FUJI. Do tuân thủ quy trình khoa học, lại lựa chọn được loại cây phù hợp với khí hậu, đất đai nên hơn 1 ha hồng FUJI đã sớm cho thu hoạch với sản lượng, chất lượng cao, được thị trường rất ưa chuộng.
“Hồng FUJI trồng đến năm thứ 3 đã cho quả. Mỗi cây thu hoạch khoảng từ 40 - 50 kg và từ 5 - 6 quả là được 1 kg. Quả hồng to, ăn rất giòn và ngọt, năm nay giá hồng vẫn khá ổn định nên gia đình có nguồn thu khoảng 100 triệu đồng”, ông Của chia sẻ.
Ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, nên huyện cũng mạnh dạn chuyển đổi một số mô hình cơ cấy cây trồng, cụ thể là chọn một số cây thích ứng, phù hợp với thời tiết, khí hậu, đất đai. Ví dụ như lê, hồng giòn, rau sạch và một số giống khác.
Các địa phương ở tỉnh Yên Bái đang trong giai đoạn cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo hướng chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng sản phẩm, theo kịp xu hướng và nhu cầu của thị trường. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đi đôi với phát triển các sản phẩm đặc sản, hữu cơ, OCOP…
Ông Vũ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết, thị xã đã đã chỉ đạo triển khai tập trung trồng những cây thế mạnh. Cùng với đó các phòng chức năng cũng lựa chọn những giống khác nhau, tránh tập trung vào thời gian chính vụ, khuyến khích nông dân trồng những giống cây mới sớm vụ và muộn vụ, từ đó nâng cao giá trị thu nhập của cây ăn quả.
Những năm tới đây, mục tiêu của tỉnh Yên Bái là trồng và phát triển ổn định trên 10.000 ha cây ăn quả, cho sản lượng khoảng 55.000 tấn, giá trị đạt khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm, góp phần thực hiện mục tiêu xóa nghèo và làm giàu cho người nông dân.