“Được mùa mất giá sẽ kéo dài đến bao giờ?”
VOV.VN - Đại biểu chỉ rõ vấn đề thường được cử tri quan tâm và luôn đề cập là sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản vẫn còn luẩn quẩn với “được mùa mất giá”.
Quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ) cho rằng, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 17% -19% trong tổng GDP của nền kinh tế, nhưng nông nghiệp gắn liền với 70% dân số sống ở nông thôn để đảm bảo đời sống gắn với sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ) cho rằng sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản vẫn còn luẩn quẩn được mùa mất giá. |
"Vấn đề thường được cử tri quan tâm và luôn đề cập là sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản vẫn còn luẩn quẩn được mùa mất giá thương hiệu sản phẩm chủ lực chưa có nên tính cạnh tranh và giá xuất khẩu còn thấp, vật tư nguyên liệu đầu vào biến động quản lý chưa hiệu quả, tổ chức sản xuất chưa định hình được các mô hình hay", Đại biểu Phương nêu rõ.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng đã ghi nhận những hạn chế yếu kém trong sản xuất nông nghiệp nước ta là tái cơ cấu nền nông nghiệp chưa bền vững, đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn còn ít, hợp tác liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn chậm, sản xuất nông nghiệp hàng nông sản còn manh mún hiệu quả chưa cao năng xuất và thu nhập của người lao động còn thấp nên cho thấy nền nông nghiệp của nước ta còn rất mong manh trước tình hình và khả năng đầu tư của nền kinh tế quốc tế.
“Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã xảy ra ở một số vùng ở ĐBSCL cho thấy nền nồng nghiệp Việt Nam còn mong manh hơn đang đừng trước khó khăn kép bởi thị trường và điều kiện tự nhiên. Vì thế đại biểu kiến nghị Chính phủ trong kế hoạch năm 2016 và giai đoạn 2016 – 2020 cần có những chính sách điều hành đột phá hơn, đầu tư nhiều hơn chú ý nhiều đến sản suất và tiêu thụ và tiếp tục xem trọng nền nông nghiệp để phát triển nông nghiệp Việt Nam phát huy được vai trò của lĩnh vực này”, Đại biểu kiến nghị.
Cùng nhận xét về lĩnh vực nông nghiệp, Đại biểu Vũ Công Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, trong kế hoạch sử dụng đất chúng ta đang giảm dần và chuyển đổi giống cây trồng trên đất nông nghiệp nhưng kinh tế nông nghiệp, tỷ trọng lao động nông nghiệp còn lớn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng khách quan cần thiết để người nông dân có thể sống và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Tuy nhiên hiện nay, chính sách đầu tư cho nông nghiệp gần như chưa được quan tâm thỏa đáng, bị động cả về nguồn nước tưới, khô hạn kéo dài nhưng chưa có biện pháp căn bản để khắc phục, chưa nói đến việc đầu tư khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết
Mặt khác, hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp đang là bà đỡ để nông dân có điều kiện đủ sức tiếp cận nền kinh tế thị trường thời hội nhập. Nhưng những chính sách khuyến khích của nước ta vẫn còn hạn chế nông dân chưa đủ sức tiếp cận đầu vào, đầu ra trong sản xuất nông nghiệp, bình ổn giá nông sản yên tâm sản xuất nên câu chuyện được mùa mất giá là lẽ đương nhiên và sẽ kéo dài đến bao giờ? “Đây là câu hỏi mà những người lãnh đạo, quản lý phải có câu trả lời để giải quyết cho nông dân”, Đại biểu Tiến chỉ rõ.
Cần làm rõ việc chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ
Nêu ý kiến về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) đề xuất, việc chuyển đổi 1 triệu ha đất rừng phòng hộ, được coi là rừng nghèo kiệt sang rừng sản xuất trong báo cáo của Chính phủ cần làm rõ: Số diện tích đất rừng này cần rà soát xem hiện trạng có bao nhiêu ha đã được chuyển sang diện tích đất khác như rừng sản xuất, khu dân cư hay người dân đang canh tác hoặc là trồng cây công nghiệp hay các dự án khác?
Đại biểu Thành cho biết, thực tế cho thấy, trên sổ sách nhiều nơi rừng vẫn được coi là rừng phòng hộ nhưng đã được chuyển đổi mục đích sử dụng điều này cần phải được làm rõ. Việc chuyển đổi này được thực hiện trên 11 tỉnh trọng điểm có liên quan đến các vùng sinh thủy khu vực thủy điện như Sơn La, Lai Châu, Kon Tum…nên cần làm rõ trong quy hoạch rừng địa bàn 11 tỉnh này còn bao nhiêu diện tích trong số 1 triệu ha đất rừng chuyển đổi này cần phải được phục hồi để bảo vệ các vùng sinh thủy. Việc giảm diện tích rừng phòng hộ sang rừng trồng sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu về độ che phủ rừng đang phấn đấu đến năm 2020 như thế nào?
Cũng theo đề nghị của Đại biểu Thành, Chính phủ cần làm rõ có bao nhiêu diện tích rừng tiếp tục phải trồng và tu bổ, nhất là thực hiện các chương trình trồng rừng cỡ lớn để nhằm duy trì chức năng bảo vệ nguồn nước. Bởi đây là một nội dung hết sức quan trọng và Chính phủ đã có chính sách cho vấn đề này, tuy nhiên quá trình thực hiện vừa qua vẫn còn có mức độ. Qua giám sát còn khoảng 300.000 hộ dân đang thiếu đất cho sản xuất, tương ứng với nhu cầu khoảng 500.000 ha đất sản xuất.
Bên cạnh việc thu hồi đất sắp tới cho việc phát triển kinh tế - xã hội, Đại biểu Thành đề nghị diện tích đất dành cho tái định cư như thế nào cũng cần phải được làm rõ và tính toán đến trong việc điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời bao nhiêu diện tích được chuyển sang trồng rừng sản xuất thực sự là cũng là vẫn đề cần được làm rõ trong bản quy hoạch sử dụng đất./.