'Mong các Bộ trưởng quan tâm tới nông dân và tiêu thụ nông sản'
VOV.VN - Trong ngày mai (11/6), Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan đến nông sản.
Trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều cử tri mong muốn Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ làm rõ các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, và có những quyết sách đúng đắn tháo gỡ khó khăn mà ngành đang gặp phải.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát |
Cử tri Nguyễn Đức Cường, ở xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang băn khoăn, do quy hoạch sản xuất nông nghiệp liên tục bị phá vỡ nên người dân vẫn luôn ở trong tình trạng “được mùa, mất giá”, không xuất khẩu được nông sản. Hiện, nước ta có đến 70% là nông dân, nên điều này càng phải được quan tâm hơn. Cử tri Nguyễn Đức Cường mong muốn các cấp các ngành quan tâm đến nông dân nhiều hơn nữa. Chỉ khi sản xuất ra các loại nông sản có đầu ra ổn định thì nông dân mới yên tâm đầu tư vào nông nghiệp.
Một số cử tri cho rằng, hiện nay liên kết 4 nhà còn yếu và thiếu, trong đó liên kết giữa doanh nghiệp và người dân cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo lợi ích cả hai bên, để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo đầu ra cho nông sản.
Cử tri Vũ Huy Thủ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Đại Tây Dương chia sẻ: “Chúng tôi mong Bộ trưởng nêu ra được những phương hướng để phát triển ngành nông nghiệp áp dụng được những công nghệ tiên tiến của các nước. Song song với việc phát triển, tạo ra được những sản phẩm mới, có chất lượng cao thì phải giải quyết được đầu ra cho các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất nông nghiệp. Trong nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã triển khai có hiệu quả thì liên kết thông qua hợp đồng, liên kết sàn giao dịch cần được tăng cường để ngành nông nghiệp phát triển bền vững”.
Theo ý kiến các cử tri, trong thời gian qua, các địa phương đã triển khai tốt theo chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc thay đổi các đề án sản xuất chưa thực sự đạt kết quả bền vững, nhất là vùng sâu vùng xa.
Cử tri Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng hội nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, nguyên nhân là do việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa thực sự đem lại hiệu quả.
“Bất cứ một đề án nào nếu không có sự quyết tâm cao, không có một tổ chức thực hiện bài bản thì sẽ không đem lại hiệu quả. Chính phủ và các Bộ, ngành của Trung ương đã thể hiện quyết tâm rất rõ nhưng vấn đề là làm sao Đề án này được chuyển tải đến các địa phương và nông dân trên cả nước cùng tham gia thực hiện thì mới có kết quả. Vì vậy, chúng tôi rất mong những nội dung, giải pháp của Đề án sẽ triển khai đến các địa phương thông qua các hoạt động của Kỳ họp Quốc hội. Có như vậy, Đề án mới có tác dụng lan tỏa và thực hiện mới có tính đồng bộ trên phạm vi toàn quốc” - cử tri Nguyễn Trí Ngọc cho biết.
Cử tri cũng kỳ vọng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát làm rõ những giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường.
Cử tri Võ Văn Trác, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nêu ý kiến: “Thay mặt ngư dân và Hội nghề cá Việt Nam, đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát có giải pháp cụ thể trong khuyến khích ngư dân yên tâm bám biển sản xuất. Bảo vệ lợi ích của ngư dân cũng chính là bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển”
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng |
Trong 5 tháng qua, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Lo ngại trước vấn đề này, cử tri Nguyễn Thị Cúc ở Hà Nội kiến nghị ngành Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp chế biến, đầu tư kho đông lạnh và áp dụng khoa học công nghệ bảo quản sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Đồng thời cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại tránh phụ thuộc vào một thị trường.
“Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương phải đưa kỹ thuật, công nghệ bảo quản đến những vùng nông sản như vải, nhãn, dưa hấu... để nông dân có thể bán sản phẩm của mình đều đặn. Điều này không chỉ ở việc quản lý xuất nhập khẩu biên giới với Trung Quốc mà phải làm thế nào để có thể bảo quản và chế biến những sản phẩm đó trong đất nước của mình để giúp người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh chung”, cử tri Nguyễn Thị Cúc nói.
Cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm về các giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương. Đặc biệt, cử tri lo ngại ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn non và yếu vì lệ thuộc tới gần 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, lo ngại doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng ngoài chuỗi giá trị sản phẩm mà chỉ chủ yếu tham gia khâu đóng gói, bao bì. Phần lớn các nhà cung cấp linh kiện phụ tùng chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cử tri Trần Anh Vương ở Hà Nội nêu ý kiến: “Với tư cách của doanh nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những việc quan trọng của Bộ Công Thương. Theo cảm nhận của chúng tôi, trong nhiều năm qua, chúng ta đã đánh giá không đúng vai trò của công nghiệp hỗ trợ, coi công nghiệp hỗ trợ như một phần phụ. Nền kinh tế của Việt Nam đặc biệt giống nền kinh tế của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc những năm trước. Để phát triển được chúng ta phải có bộ luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào chuỗi sản xuất. Nếu bây giờ không có các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không có định hướng, không tạo thành một chuỗi, không có sự liên kết và sản xuất sẽ manh mún, không thể nào phát triển chứ chưa thể nói đến hội nhập”.
Cử tri cũng kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ làm rõ hơn thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn. Với việc tăng thêm giá điện 7,5% cùng với việc tăng giá xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm như thế nào trong việc quản lý giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.