Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Chưa có mặt bằng vì chủ đầu tư…
Toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện còn 3 km chưa giải phóng xong mặt bằng, số tiền cần giải ngân khoảng 70 tỷ đồng
Theo tiến độ cuối năm 2015 dự án phải hoàn thành, tuy nhiên hạng mục đúc trụ làm đường ray lẽ ra đã phải hoàn thành hàng năm nay, nhưng hiện gần 2 km đường sắt Cát Linh-Hà Đông đi qua các tuyến phố đê La Thành-Hoàng Cầu-Láng quận Đống Đa vẫn chưa đổ trụ bê tông.
Lý giải việc này, Ban quản lý dự án đường sắt, Cục Đường sắt, Bộ GTVT (Chủ đầu tư) cho rằng, do vướng mặt bằng vì đoạn tuyến này đang vướng đường điện 110Kv chưa hạ ngầm. Cùng với đó, tại địa bàn quận Đống Đa ga Cát Linh (đầu tuyến) còn vướng nhà 80 hộ dân và ga Láng cũng vướng 54 hộ dân, 5 tổ chức chưa di dời.
Vướng mặt bằng đường sắt Cát Linh-Hà Đông phải dừng tại phường Cát Linh, Đống Đa |
Tại khu vực quận Hà Đông, trong 6 nhà ga đi qua đây thì 2 nhà ga: Thanh Xuân 3 (S7), bến xe Hà Đông (S8) chưa giải phóng xong mặt bằng; cùng với đó đường dẫn vào khu đề-pô vẫn còn 16 ngôi mộ ở phường Phú Lương chưa di dời xong.
Người có một phần diện tích nhà nằm trong diện di dời tại ga Thanh Xuân 3, ông Nguyễn Văn Tình, người dân sống trên đường Trần Phú, Hà Đông cho biết, theo thiết kế các ga đi qua khu vực Hà Đông đều có mặt cắt ngang là 47m, tuy nhiên không hiểu vì sao ga Thanh Xuân 3 đi qua nhà ông lại có mặt cắt ngang 56 m.
Quận hết tiền trả
Ngày 6/5, ông Nguyễn Đình Huệ, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất, UBND quận Hà Đông cho biết, đa số hộ dân bị ảnh hưởng đều chấp thuận phương án đền bù của chủ đầu tư. Tuy nhiên vấn đề khó khăn hiện nay là vốn.
Theo ông Huệ, tổng kinh phí quận Hà Đông được giải ngân cho công tác GPMB dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông là 89,7 tỷ đồng, hiện tại Cục Đường sắt đã có kế hoạch bố trí cho quận 59 tỷ đồng, tuy nhiên trong số 59 tỷ đồng thì quận mới rút được 39,7 tỷ đồng, còn 19,2 tỷ đồng do là kinh phí vượt tổng mức đầu tư nên quận không thể rút.
Tương tự, ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, vướng mắc mặt bằng lớn nhất liên quan đến quận là còn hơn 100 hộ dân ở phạm vi ga Cát Linh và Láng. Tuy nhiên trong tổng số 19 tỷ đồng mà chủ đầu tư (Cục Đường sắt) phải giải ngân để quận triển khai công tác GPMB theo kế hoạch đến nay quận vẫn chưa nhận được, do vậy quận vẫn chưa có tiền trả cho dân.
Như vậy trong tổng số khoảng 108 tỷ đồng mà Cục Đường sắt phải giải ngân cho quận Đống Đa (19 tỷ đồng), Hà Đông (89 tỷ đồng) để chi trả công tác GPMB thì chỉ có quận Hà Đông nhận được 39,7 tỷ đồng, còn hơn 69 tỷ đồng hai quận này vẫn chưa nhận được.
Trong khi tiền trả cho người dân phải di dời để bàn giao mặt bằng không có thì kinh phí dự án phải bỏ ra cho việc điều chỉnh thiết kế lại không nhỏ. Cụ thể, theo thiết kế, hạng mục đúc dầm được tiến hành trong nhà xưởng, sau đó vận chuyển ra công trường và lao lắp.
Tuy nhiên, công tác di dời các ngôi mộ ở phường Phú Lương không đáp ứng tiến độ, Tổng thầu EPC đã liên hệ với một doanh nghiệp bên ngoài để thuê hơn 03 ha mặt bằng để làm bãi đúc mới.
Doanh nghiệp được Tổng thầu thuê đất làm bãi đúc dầm là Tập đoàn Nam Cường. Để có diện tích bãi đúc dầm tại phường Dương Nội (Hà Đông) và thay đổi phương án thi công nhà thầu đã phải chi hơn 10 triệu USD (tương đương 210 tỷ đồng).
Mặt bằng chậm chiếm 30% kinh phí đội giá
Theo tính toán của Bộ GTVT, riêng hạng mục giải phóng mặt bằng chậm đã khiến dự án phát sinh thêm 88,3 triệu USD (tương đương 1.854 tỷ đồng, chiếm 30% so với tổng số 339 triệu USD đội giá).
Bộ GTVT diễn giải, đây là số tiền phát sinh do công tác GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài dẫn đến tăng chi phí; chi phí xây lắp tăng dẫn đến chi phí thuế giá trị gia tăng, lãi vay, bảo hiểm vốn vay, phí các loại cũng tăng theo./.