Đường sắt phải biết "chia lửa" với giao thông
Bộ GTVT đã chuẩn bị những “liều thuốc” chống độc quyền dành cho đường sắt!
Là “ông anh cả” trong ngành GTVT nhưng nặng tư tưởng độc quyền nên ngành đường sắt “nước đến chân cũng... không chịu nhảy”.
Câu chuyện “ta chẳng cần ai” mà các doanh nghiệp và chủ hàng nói về ngành đường sắt trong cuộc họp mới đây tại Bộ chủ quản không phải là điều gì quá xa lạ.
Thực tế, cách đây gần 10 năm, Quốc hội đã từng đưa ra những phán quyết để tháo gỡ vấn đề bi đát của ngành đường sắt, trong đó giải pháp là sẽ tách riêng khối hạ tầng và vận tải ra hoạt động riêng rẽ. Tuy nhiên, cả “khối sắt” vẫn còn nguyên từ đó đến nay, bao sự cố xảy ra nhưng chưa khi nào có người đứng ra chịu trách nhiệm. Sự độc quyền đi liền với tiêu cực khiến cho người dân vô cùng khó chịu, bức xúc.
Muốn đổi mới, đường sắt phải trải qua một cuộc "đại phẫu" chống độc quyền |
Hiện trên mạng quốc gia có 6 tuyến đường sắt, tuy nhiên chỉ có 2 tuyến đường sắt quan trọng, cự ly dài là Hà Nội - Lào Cai và tuyến Bắc - Nam là hiệu suất sử dụng năng lực thông qua tương đối cao trong thời kỳ cao điểm có thể nói là bão hòa. Còn lại 4 tuyến đường sắt khác, hiệu suất sử dụng năng lực thông qua rất thấp mà nguyên nhân được ngành này đưa ra là do tuyến ngắn, luồng khách và luồng hàng ít nên chạy tàu nhiều cũng không có khách, không có hàng để chuyên chở.
Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, trong khai thác vận tải đường sắt, các doanh nghiệp đường sắt chưa chủ động đến với thị trường, chưa chủ động kết nối với các phương thức vận tải, đặc biệt là vận tải đường sắt với đường bộ. Đường sắt mới chỉ lo phần việc của đường sắt, còn phần đường bộ từ ga đến kho đến nhà và ngược lại do chủ hàng tự lo. Việc tổ chức vận tải chưa quy về một mối nên gây khó khăn cho người đi thuê vận tải.
Muốn chống độc quyền phải “đại phẫu” đường sắt
Trong bối cảnh kinh doanh mới, khi thị trường vận tải ngày càng được rộng mở, những đại dự án đường bộ trên các cung đường “vàng” song song với đường sắt sắp hoàn thành; hàng không nội địa đã giăng kín mạng bay và sắp mở cửa bầu trời; đường sông và đường biển dư thừa năng lực, tối ưu hóa chính sách giảm giá để hút khách; nếu đường sắt vẫn ì ạch với những chuyến tàu muộn giờ và phớt lờ thời cuộc thì chắc chắn sẽ nắm phần thua.
Để “cứu” ngành đường sắt khỏi chết yểu, một yêu cầu cấp bách được đưa ra là phải nhanh chóng tách bạch hạ tầng và vận tải đường sắt ra làm 2 khối, thực hiện xã hội hóa đường sắt để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo ĐSVN vẫn chần chừ với giải pháp được cho là “sống còn” dành cho chính mình, lí do lãnh đạo ĐSVN đưa ra là “tách ra sợ sẽ phức tạp, khó quản lý dẫn tới rối loạn”!?
Tại Hội nghị triển khai công tác Thanh tra GTVT mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng một lần nữa khẳng định việc phải tách bạch hạ tầng và vận tải đường sắt. Ông cho rằng việc tái cơ cấu, cổ phần hóa là con đường ngắn nhất và duy nhất để thay đổi sự độc quyền và trì trệ của ngành đường sắt.
“Cứ thử tách ra xem có rối loạn không? Rối loạn hay không là do ta tự nghĩ. Bây giờ cứ để chung giữa hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải, trong đó hạ tầng được nhà nước cấp kinh phí để bảo trì sửa chữa, còn vận tải cứ hạch toán chung gây lẫn lộn.
Nếu có thêm tư nhân tham gia thì kinh doanh vận tải đường sắt chắc chắn sẽ tốt hơn, sẽ không có chuyện nấu canh bằng nước lã, bữa ăn chất lượng kém cho hành khách. Lĩnh vực hàng không cũng vậy, từ khi tách Cảng vụ và hạ tầng riêng, mọi thứ đều phát triển tốt, các hãng hàng không cùng vào kinh doanh tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, ĐSVN đang có những bất cập liên quan đến quản lý Nhà nước, chưa tách bạch giữa quản lý hạ tầng và sản xuất kinh doanh, bộ máy quá cồng kềnh. Trước mắt, phải thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa ĐSVN.
Bộ GTVT đang chỉ đạo hết sức quyết liệt, song song tái cơ cấu sẽ triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn cụ thể trong việc tách hạ tầng ra khỏi hoạt động kinh doanh vận tải.
“Dự kiến trong năm 2014 sẽ hoàn thành việc tách ĐSVN thành 2 khối độc lập là quản lý nhà nước về hạ tầng đường sắt và khối sản xuất kinh doanh. Sau đó, khối kinh doanh vận tải sẽ sắp xếp lại tổ chức, các đầu mối, nâng cao quản trị doanh nghiệp bằng cách rà soát các quy chế hiện hữu, tiến tới cố phần hóa.
Về quản lý nhà nước, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, xây dựng lại định mức bảo trì, bảo dưỡng để từ đó cải tổ lại quy trình, kinh phí bảo trì bảo dưỡng đường sắt” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay./.