Bộ trưởng Thăng: Ngành đường sắt cần thoát tư duy trì trệ
VOV.VN -Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu ngành đường sắt phải đổi mới từ những việc nhỏ nhất, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sáng nay (3/1/2014), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh, ngành đường sắt Việt Nam cần phải đổi mới toàn diện trong thời gian tới, tạo sự thân thiện trong mắt người dân, để đường sắt thật sự là phương tiện đi lại thuận tiện cho mọi người.
Bộ trưởng Đinh La Thăng (Ảnh: KT) |
Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong năm 2013, doanh thu toàn ngành đường sắt đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2012; nộp ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận 170 tỷ đồng. Trong đó, vận tải liên vận quốc tế đều tăng trưởng, lượng khách xuất cảnh đạt hơn 21.000 lượt người và nhập cảnh đạt gần 24.000 lượt. Đáng ghi nhận là năm 2013 cũng là năm thứ hai liên tiếp số vụ tai nạn giao thông đường sắt giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị ngành đường sắt nhanh chóng thoát khỏi tư duy trì trệ để phát triển, áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý, trong vận hành chạy tàu và bán vé tàu. Theo đó, ngành đường sắt phải đổi mới từ những việc nhỏ nhất, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, làm sao để hành khách thích đi tàu, nhà ga thân thiện, sạch sẽ, chất lượng món ăn nâng cao. Hơn nữa, phải nghiên cứu giảm giá vé để tạo sức cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, tạo sự thân thiện với hành khách. Năm 2014, đường sắt phải hướng tới mục tiêu: Thuận tiện - Đúng giờ - An toàn - Hiệu quả và Hài lòng.
Về công tác bán vé tàu khi Tết Nguyên đán đang đến gần, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ngành phải có cuộc thay đổi, cách mạng về bán vé chứ không thể cải tiến như hiện nay nữa. Mục tiêu lâu dài đối với đường sắt là an toàn, đúng giờ và nâng cao chất lượng phục vụ. Năm 2014, cần phải có kế hoạch tăng thu nhập cho người lao động; phải tổ chức lại lao động, xây dựng lại định mức đơn giá, đưa các biện pháp tiết kiệm, hạ giá thành chi phí…”
Tại hội nghị, đại diện Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, ngay trong tháng 1, ngành sẽ lựa chọn và áp dụng công nghệ bán vé tàu tự động do hai đơn vị FPT và VNPT đề xuất, tháng 8/2014 sẽ ứng dụng để phục vụ hành khách. Ngành cũng đang thử nghiệm ứng dụng công nghệ GPS về giám sát hành trình. Đặc biệt là tính toán để tiết kiệm, giảm giá thành chi phí, giảm giá vé tàu một cách hợp lý.../.