Gần 5,7 tỷ USD xây Sân bay Long Thành giai đoạn 1a
Giai đoạn 1a sẽ xây dựng 1 đường hạ cất cánh và nhà ga hành khách có công suất 17 triệu hành khách/năm.
Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) Báo cáo đầu tư Dự án. Bản báo cáo này đã được cập nhật, chỉnh sửa trên cơ sở các ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định Nhà nước tại phiên họp thứ ba được tổ chức tại Hà Nội hôm 15/8.
Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị quy mô và phân kỳ đầu tư Dự án.
Theo đó, Dự án được phân kỳ theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I - xây dựng nhà ga hành khách công suất 25 triệu hành khách/năm; 2 đường hạ cất cánh song song có cấu hình đóng; đền bù, giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000 ha, dự kiến mở cửa vào năm 2025 có khái toán tổng mức đầu tư khoảng 7,837 tỷ USD, khoảng 164.588 tỷ đồng.
Phối cảnh 1 phương án xây dựng sân bay Long Thành. (Ảnh: KT)
Giai đoạn 1a: Xây dựng 1 đường hạ cất cánh và nhà ga hành khách có công suất 17 triệu hành khách/năm, giải phóng mặt bằng 2.565,4 ha. Giai đoạn 1b: Xây dựng thêm 1 đường hạ cất cánh, hoàn thành các hạng mục đầu tư còn lại của giai đoạn 1, giải phóng mặt bằng còn lại.
Khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1a là 5,662,3 tỷ USD, tương đương 118.910 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 3,84 tỷ USD; chi phí tư vấn là 384 triệu USD; dự phòng 422,566 triệu USD; thuế và các chi phí khác là 697 triệu USD; giải phóng mặt bằng và tái định cư cho 2.565,4 ha là 318 triệu USD.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, vốn đầu tư thực hiện sẽ được gắn với các dự án đầu tư cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư. Dự kiến nguồn vốn cho giai đoạn 1a sẽ được phân thành 2 loại, gồm:
Nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA với giá trị dự kiến 2,755,1 tỷ USD (48,65% khái toán tổng mức đầu tư) để đầu tư: khu bay (đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, đường trục vào sân bay); bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc; trụ sở hải quan, công an, cảng vụ.
Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách gồm vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư - PPP với giá trị dự kiến 2,907 tỷ USD (51,35% khái toán tổng mức đầu tư) để đầu tư: nhà ga hành khách, sân đậu ô tô, nhà ga hàng hóa, khu sửa chữa bảo trì máy bay, hệ thống cấp nhiên liệu bay, chế biến suất ăn và các công trình thương mại khác.
Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, giai đoạn 1a Dự án sẽ được khởi công vào năm 2016, đưa vào khai thác vào năm 2023.
Theo chủ đầu tư Dự án là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới dự án và sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án dưới nhiều hình thức khác nhau như PPP, BOT... như Tập đoàn ADPi của Pháp, Samsung, Incheon (Hàn Quốc), các tập đoàn của Nhật Bản./.