Giá các loại thực phẩm tăng từ 5-15% trong ngày 29 Tết
VOV.VN - Bộ Công Thương tổng hợp báo cáo tình hình thị trường ngày 29 tết Tân Sửu 2021 cho thấy, nhu cầu mua sắm Tết tại hầu hết các tỉnh, thành phố khá nhộn nhịp và tăng so với ngày thường do đây là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ.
So với Tết năm trước, giá cả và nhu cầu mua sắm của người dân có xu hướng thấp hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt tại các địa phương có ổ dịch bùng phát. Nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích khá phong phú, đa dạng kết hợp với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nên giá cả hàng hoá tương đối ổn định, thu hút khá đông người mua hàng do phát huy lợi thế vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa và giá cả bình ổn.
Tại các chợ dân sinh, hàng hóa tương đối dồi dào để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Nhu cầu mua sắm trong những ngày cận Tết chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ uống, hoa, quả tươi... Mặt hàng cây cảnh, đào, quất, hoa các loại đa dạng, phong phú về chủng loại, đủ đáp ứng nhu cầu chơi Tết của nhân dân. Các địa phương chủ động triển khai song song với việc áp dụng các biện pháp phòng dịch để bảo đảm an toàn phục vụ nhu cầu mua sắm, thăm quan của người dân.
Hưởng ứng cuộc vận động của Bộ Chính trị về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, các Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu tái định cư, các khu công nghiệp, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong đó tập trung chủ yếu vào hàng trong nước, trong tỉnh sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết cổ truyền.
Tới thời điểm hiện nay, giá hầu hết các mặt hàng phục vụ Tết không có hiện tượng tăng đột biến. So với ngày trước Tết: giá thịt lợn có xu hướng ổn định, giá tôm sú loại to tăng khoảng 5%, giá gạo tẻ thường ổn định, giá gạo nếp tăng nhẹ từ 5-7% tùy từng địa phương. Một số mặt hàng khác như thịt gà, thịt bò, giá tăng nhẹ từ 5-10%. Giá các loại hoa, trái cây phục vụ cúng lễ tăng từ 5-15%, giá rau, củ ổn định.
Giá các loại gạo chất lượng cao và gạo nếp ngon phục vụ nhu cầu dịp Tết có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường, khoảng 5-7% (tùy thời điểm và khu vực), gạo tẻ thường vẫn giữ mức ổn định. Nhìn chung so với cùng kỳ năm trước, giá các loại gạo tẻ thường ở mức tương đương, các loại gạo chất lượng cao và đặc sản tăng khoảng 3-5% và không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.
Mặt hàng thực phẩm tươi sống: Thị trường thực phẩm tươi sống đặc biệt sôi động trong ngày 29 Tết do nhu cầu mua sắm tăng mạnh, tuy nhiên giá chỉ tăng nhẹ theo quy luật thị trường. Năm nay, giá thịt lợn có xu hướng ổn định trong những ngày gần Tết do nguồn cung đã được bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giá thịt bò, gà tăng từ 5-10% so với ngày thường.
Hiện giá thịt lợn phổ biến ở mức: mông sấn 130.000-150.000đ/kg (miền Bắc), 130.000-145.000đ/kg (miền Nam), giá thịt lợn thăn 140.000-160.000đ/kg (giá thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10.000 đ/kg); thịt bò thăn loại I từ 290.000-330.000đ/kg, tương đương với cùng kỳ năm ngoái; giá gà ta lông 100.000-120.000đ/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 15.000-20.000đ/kg; giá tôm sú (loại 26-30 con/kg): 400.000-500.000đ/kg...
Rau, củ, trái cây: Do thời tiết thuận lợi nên nguồn cung rau củ quả khá dồi dào, đa dạng. Giá hầu hết các loại rau củ quả đều có xu hướng thấp hơn so với Tết năm trước, đặc biệt là các loại trái cây có múi như cam, bưởi, các loại rau, củ, quả vụ đông.
Dự báo nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm Tết. Bên cạnh đó, việc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới ngày 30 Tết và mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do vậy giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung sẽ không biến động nhiều. Dự kiến, nhu cầu và giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ dân sinh giá có thể tăng nhẹ vào buổi sáng ngày 30 Tết, giá các mặt khác ổn định, giá cây cảnh bắt đầu giảm./.