Giá cây tràm tại Cà Mau giảm mạnh, người dân lo lắng
VOV.VN - Thời gian gần đây, giá cây tràm trên địa bàn huyện U Minh, Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau liên tục giảm, khiến người dân “tiến thoái lưỡng nan” vì nếu bán tràm vào thời điểm này sẽ không lời, thậm chí là lỗ, còn nếu để quá lứa sẽ càng khó bán.
Gia đình ông Hồ Minh Nhàn (ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) có hơn 4 hecta rừng tràm. Hiện cây tràm đã tới lứa thu hoạch nhưng giá tràm đang ở mức rất thấp nên gia đình ông đang rất lo lắng. Một hecta tràm năm trước có giá khoảng 100 triệu đồng, hiện chỉ còn ở mức khoảng 60 - 70 triệu đồng/hecta. Không chỉ giá thấp mà khi gia đình ông Nhàn muốn bán, kêu thương lái đến họ cũng không mặn mà.
“Giá tràm hiện nay tùy theo loại, tràm đẹp thì giá khoảng 70 triệu/hecta. Nếu cách đây khoảng 2 năm trước thì giá trăm mấy chục triệu/hecta. Năm nay, không hiểu sao giá xuống nhiều quá. Bây giờ đa số người dân lên líp trồng, lượng tràm giờ tồn đọng quá nhiều, thương lái mua rẻ”, ông Hồ Minh Nhàn nói.
Mỗi chu kỳ trồng tràm kéo dài từ 5 – 7 năm. Mọi nông hộ trồng tràm trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều mong ngóng đến chu kỳ thu hoạch để cải tạo, tái đầu tư. Tuy nhiên, với giá như hiện nay, người dân thu hoạch sẽ không có lãi, thậm chí có thể thua lỗ. Bà con đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, họ không muốn thu hoạch để lỗ nhưng để lại thì không biết tràm có lên giá hay tiếp tục giảm.
“Cứ nằm đó mà trông cho tràm đến tuổi khai thác. Bây giờ đến lúc khai thác thì giá thấp quá, bán lỗ. Năm 2019 trở về trước, giá tràm có thời điểm lên tới 160 triệu/hecta. Hiện nay, xuống chỉ còn khoảng 60 triệu/hecta. Tràm nhà tôi bây giờ toàn cừ 4, cừ 5 mà kêu lái vô, dẫn đi xem, thương lái không buồn trả giá”, ông Dương Ngọc Sinh, người dân xã Khánh An cho hay.
Cây tràm của tỉnh Cà Mau được trồng chủ yếu để làm cừ. Nguyên nhân giá tràm giảm được đánh giá là do cung vượt cầu. Một trong những nguyên nhân trực tiếp là giá vật liệu xây dựng thời gian qua tăng mạnh, tiến độ xây dựng bị trì trệ nên cây tràm cũng bị vướng theo về đầu ra. Ngoài ra, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng đã làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực xây dựng nói riêng dẫn đến giá tràm giảm mạnh.
“Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng tiêu thụ cừ tràm giảm. Người dân bán thông qua thương lái, không có đầu ra nên giá tràm giảm thấp. Trên địa bàn xã có rất nhiều thương lái thu mua, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, trong thời gian tới, sẽ mời các thương lái đến làm việc, tìm đầu ra để người dân bớt khó khăn”, bà Lê Cẩm Tha, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện U Minh cho biết.
Rừng tràm sản xuất của tỉnh Cà Mau chủ yếu được trồng trên địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Giá cây tràm đã giảm khoảng 30 – 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ riêng cây tràm mà cây keo lai cũng bị rớt giá. Hiện nhiều diện tích tràm, keo lai ở 2 huyện này đã đến chu kỳ khai thác nhưng còn tồn đọng./.