Giá dầu sẽ đạt đỉnh 116 USD/thùng do căng thẳng Iraq leo thang
VOV.VN - Các nhà phân tích tại Wall Street mới đây đưa ra dự báo, mức giá dầu thô Brent sẽ tăng lên mức 116 USD/thùng vào cuối năm nay.
Trong bối cảnh bạo động ngày càng leo thang tại Iraq, giá dầu sẽ leo thang đến mức nào đang là mối quan tâm của thị trường thế giới.
(Ảnh minh họa: euroasianews)
Ngày 13/6, giá dầu thô Brent đã vượt mức 114 USD/ thùng, là mức cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây do lực lượng phiến quân sau khi lực lượng phiến quân đã chiếm đóng hai thành phố trọng điểm của Iraq, bao gồm cả Mosul, là cửa ngõ cho hoạt động xuất khẩu dầu của nước này. Nhóm này cũng cho biết sẽ tấn công Baghdad.
Tình trạng bất ổn đang đe dọa đến sản lượng của nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai OPEC này. Cơ quan Năng lượng Mỹ cho biết, Iraq sẽ chiếm 60% tăng trưởng của OPEC trong thập kỷ này. Nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu sẽ tăng mạnh trong những quý cuối năm nay và OPEC sẽ cần phải bơm thêm dầu để đáp ứng đủ nhu cầu.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7 trên sàn Nymex, Mỹ (WTI) tăng 38 cent lên mức 106,91 USD/thùng vào cuối tuần trước, là mức tăng cao nhất kể từ tháng 9/2013.
“Thị trường dầu mỏ thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào những động thái tại Iraq. Nếu có bạo động diễn ra tại Baghdad, giá dầu sẽ tăng vọt, tuy nhiên giá dầu WTI có khả năng sẽ không thể vượt quá 120 USD/thùng”, Michael Lynch, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Năng lượng chiến lược tại Massachusetts nhận định.
Lực lượng phiến quân nổi dậy Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) mới đây đã cản trở việc sửa chữa đường ống dẫn dầu từ mỏ dầu Kirkuk tới cảng Ceyhan ở Thổ Nhĩ Kỳ. ISIL cũng vừa chiếm được quyền kiểm soát đường ống dẫn dầu có năng suất 310.000 thùng/ngày của nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq - Baiji.
Trong khi ISIL tiếp tục gia tăng hoạt động thì lực lượng người Kurd đã triển khai lực lượng chiếm giữ thành phố giàu dầu mỏ Kirkuk ở phía Tây Nam Iraq sau khi quân đội Chính phủ buông vũ khí.
Cuộc chiến vẫn chưa lan tới miền Nam, nơi sản xuất ra 3/4 sản lượng dầu thô của Iraq. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại rằng mâu thuẫn sẽ nhanh chóng gia tăng, ảnh hưởng tới các cơ sở hạ tầng đối với hoạt động sản xuất dầu và không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của toàn cầu./.