Giá lợn ngất ngưởng người nuôi vẫn “treo chuồng” ngại tái đàn
VOV.VN - Được coi là thủ phủ lợn miền Bắc, nhưng hiện nay người chăn nuôi tại huyện Bình Lục, Hà Nam chịu bỏ trống chuồng chứ không dám tái đàn.
Hầu hết chuồng nuôi đều bỏ trống
Bình Lục là vùng quê người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và nuôi lợn từ hàng thế kỷ nay. Nhà nào nhiều nuôi tới hàng trăm con, nhà nào ít cũng vài chục con. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của phần lớn hộ gia đình nơi đây.
Khảo sát tại vùng quê chăn nuôi có tiếng này, hầu hết chuồng trại to nhỏ đều bỏ trống. Nhiều hộ có mong muốn nhưng không còn vốn đành ngậm ngùi tìm kiếm công việc khác.
Gia đình ông Hòa (xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, Hà Nam) từng đầu tư cả hơn trăm triệu để xây dựng chuồng trại kiên cố, có cả hầm bioga để xử lý nước thải, cộng thêm tiền trăm triệu nữa để mua con giống và thức ăn. Tổng vốn bỏ ra để chăn nuôi lợn phải đến vài trăm triệu. Trước đây chuồng nhà ông lúc nào cũng duy trì hơn 100 con. Cao điểm có tới 200 con cả lợn nái, lợn to sắp xuất chuồng và con giống. Nhưng hiện tại trang trại của ông Hòa không có một con lợn nào.
Tình trạng này đã diễn ra hơn một năm nay. Thời điểm trước dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát năm 2019, là thời điểm nghề chăn nuôi phát triển mạnh chưa từng có tại vùng quê nổi tiếng là vựa lợn miền Bắc này. Nhiều hộ chăn nuôi đổi đời nhờ lợn. Cũng vì thế mà ông Hòa quyết định ở nhà đầu tư chăn nuôi sau 30 năm làm nghề thợ mộc để không phải đi làm xa.
Không đầu tư nhiều như ông Hòa, gia đình ông Quý ở cùng thôn cũng có một dãy chuồng lợn hiện đang bỏ trống. Khung cảnh xuống cấp đủ để thấy được sự trống trải vì đã bỏ không rất lâu rồi.
Ông Quý cho biết: “Gia đình bà có 6 gian chuồng, mỗi chuồng chứa được trên dưới 10 con. Nhưng đã từ lâu gia đình ông bà không nuôi nữa, hiện giờ chỉ dùng làm nhà kho đựng những dụng cụ nông nghiệp không dùng đến. Ngoài ra nuôi mấy con gà để cải thiện bữa ăn.”
Theo thương lái buôn lợn tại chợ đầu mối Bình Lục, phần lớn lợn giao dịch tại chợ là lợn được xuất ra từ các công ty chăn nuôi lớn, từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng có nhưng không đáng kể.
Giá lợn cao ngất ngưởng vẫn không dám tái đàn
Gia đình ông Hòa và ông Quý chỉ là hai trong số rất nhiều hộ chăn nuôi tại Bình Lục đã đầu tư hết cả số tiền tích cóp từ làm nông và một số công việc phụ vào chăn nuôi lợn. Hiện nay cũng phải ngậm ngùi bỏ chuồng trống.
Giá lợn hiện giờ đang cao, người chăn nuôi có lãi nhiều tại sao không tái đàn, ông Hòa chia sẻ: “Chống chọi với dịch bệnh mất mấy năm đã khiến ông suy kiệt, không còn kinh tế để tái đàn. Từ một người vốn có một khoản tiết kiệm tưởng có thể nghỉ ngơi sớm sau nhiều năm đi làm thuê, giờ đây ông đang phải gánh một khoản nợ lớn do cố gắng cầm cự với chăn nuôi để mong có thể gỡ gạc phần nào. Song càng kiên trì, thua lỗ càng nặng đến kiệt quệ không thể tiếp tục nữa”.
Ở tuổi ngoài 50, ông Hòa lại phải lăn lộn tìm nghề khác để trả khoản nợ do nuôi lợn gây ra.
Gia đình kinh doanh thức ăn chăn nuôi nên gia đình bà Nguyệt vẫn duy trì nuôi mấy con lợn chứ không dám nuôi nhiều mặc cho chuồng trại bỏ trống.
“Giá lợn càng ngày càng tăng, gia đình bà cũng muốn tái đàn lắm nhưng không còn vốn. Phần cũng vì sợ dịch bệnh và mấy năm trước thiệt hại quá lớn khiến vợ chồng bà dè dặt” - Nguyệt nói.
Như phần lớn hộ chăn nuôi khác, trang trại của ông Thành cũng bỏ trống từ 2 năm nay. Sang đầu năm 2024, đắn đo mãi ông mới dám nuôi 3 con lợn gây nái. Ông cho biết: “Vì nhà làm máy xát gạo, tận dụng được thóc gạo và cám vương vãi cùng cơm thừa gom được ở trường học nên mới nuôi. Tuy vậy vẫn rất sợ do dịch bệnh hồi năm 2020 đã làm thiệt hại của ông hàng trăm triệu đồng”.
Cũng theo ông Thành, giá lợn xuất chuồng từ 50.000 đồng/kg trở lên là người chăn nuôi đã có lãi rồi. Trước đây các đại lý thức ăn chăn nuôi cho ký nợ đến khi xuất chuồng mới cần thanh toán. Nhưng từ sau dịch tả lợn châu Phi, đại lý không cho kí nợ nữa buộc người chăn nuôi phải có vốn mới tái đàn được. Đây cũng là lí do khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình “treo chuồng”.