Gia tăng nợ xấu từ chương trình vay vốn tàu đóng tàu theo Nghị định 67
VOV.VN - Việc thu hồi vốn vay của các ngân hàng liên tục gặp khó khan, các khoản nợ gốc, nợ lãi đều gia tăng là nỗi lo chung của chủ tàu cá và ngân hàng.
Chương trình cho vay đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản đến nay đã được 4 năm. Mỗi tàu cá đóng mới được vay từ 10 - 18 tỷ đồng.
Tàu cá PY 99997TS của ngư dân Trương văn Công là 1 trong 24 tàu cá được vay vốn đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 tại tỉnh Phú Yên với số tiền 17,9 tỷ đồng. Theo ông Công, chuyến đánh bắt nào cũng có lãi nhưng vẫn không đủ trả nợ cho ngân hàng. 3 năm qua, ông mới trả được 2,2 tỷ đồng, trong khi đó, theo hợp đồng vay vốn, số tiền ông phải trả là 4,2 tỷ đồng. Chậm trả nợ, trả nợ không đúng thời hạn, hợp đồng tín dụng của ông rơi vào nợ xấu.
“Tại vì chi phí cao mà thu nhập giảm xuống. Việc tu bổ máy móc, bóng dây… một năm mất trong dàn lưới 300 - 400 triệu đồng” - ngư dân Trương văn Công nói.
Tàu cá 67 đắp chiếu. |
Tình trạng nợ xấu trong vay vốn đóng mới và cải hoán tàu cá theo Nghị định 67 tại các tỉnh Nam Trung bộ gia tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Tại Phú Yên, tính đến nay, các ngân hàng thương mại đã ký 24 hợp đồng tín dụng theo Nghị định 67 để đóng mới 19 tàu cá và nâng cấp 5 tàu với số tiền cam kết gần 281,7 tỉ đồng. Trong số này, các ngân hàng đã giải ngân gần 281 tỉ đồng, thu nợ được hơn 13,7 tỉ đồng, còn dư nợ hơn 267 tỉ đồng; trong đó, nợ xấu gần 123 tỉ đồng, chiếm đến 46% tổng dư nợ.
Trước tình hình này, các ngân hàng thương mại kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên và các cơ quan liên quan tiếp tục , hỗ trợ ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo theo quy định đối với các khách hàng chây ỳ, không có thiện chí trả nợ để thu hồi nợ vay, tạo nguồn để đầu tư các phương án khác hiệu quả hơn.
Về các giải pháp của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Gíam đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết: “Nếu như tàu không về cảng thì sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp mạnh đối với những trường hợp vắng không về các cảng đăng ký ở địa phương mình trong thời gian dài.”
Ngoài tâm lý chây ì của một số chủ tàu cá, thực tế cho thấy, những tàu cá có công suất lớn được đóng mới theo Nghị định 67 chủ yếu là tàu sắt, chi phí cho mỗi chuyến biển khá cao, lên đến 300 triệu đồng. Giá dầu tăng liên tục trong những tháng đầu năm 2019, khiến chi phí mỗi chuyến biển tăng đến 30%, ngư dân thêm gánh nặng. Đó là chưa kể chi phí tu sửa, đầu tư ngư cụ cho tàu trên 800CV mỗi năm từ vài trăm triệu đồng.
Chi phí cao, lãi thấp nên nhiều chủ tàu không có khả năng trả nợ và rơi vào nhóm nợ xấu. Hiện ngư dân đang kiến nghị các ngân hàng điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ phù hợp. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, bởi trong điều kiện chi phí tăng cao, nguồn lợi thuỷ sản suy giảm, sản lượng đánh bắt thấp thì ngư dân vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, trước mắt là nợ xấu còn tăng./.
Hàng loạt "tàu cá 67" ở Khánh Hòa phát sinh nợ xấu
Nhiều tàu cá 67 hỏng, kém hiệu quả khiến ngư dân Quảng Bình mắc nợ tiền tỷ