Giải ngân vốn đầu tư công: Bức thiết nhưng vẫn ì ạch
VOV.VN - Năm 2024 sắp kết thúc, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương mới chỉ đạt khoảng 1/3 kế hoạch được giao. Đáng chú ý, có đến 4/10 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2024.
Nguy cơ không hoàn thành kế hoạch
Trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được Chính phủ thông qua vào tháng 1/2024 đã đặt mục tiêu cả năm 2024, giải ngân đầu tư công sẽ đạt tối thiểu 95%.
Thế nhưng, báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, mặc dù chặng đường năm 2024 đã gần đi đến hồi kết, song tỷ lệ giải ngân vẫn rất chậm. Theo đó, lũy kế giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng năm nay của các bộ, ngành mới chỉ đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, tương đương 3.285,7 tỷ đồng.
Có 2 trong 10 bộ, ngành giải ngân đạt hơn 50% kế hoạch vốn là: Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 87,7% vốn kế hoạch; Bộ Giao thông vận tải đạt 58,3% vốn kế hoạch. Có 4 trong số 10 bộ đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, đó là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (39,4%), Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam (29,7%), Đại học Quốc gia Hà Nội (6,7%), Đại học Quốc gia TPHCM (6,8%).
Đáng chú ý, có đến 4/10 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2024 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động và Thương Binh và xã hội, Bộ Y tế). Riêng Bộ Y tế do được cấp vốn vào tháng 11 nên cơ bản chưa thể giải ngân.
Theo bà Phạm Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Quản lý dự án trung ương (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính), từ đầu năm đến nay, có 6 bộ đề nghị trả lại kế hoạch vốn năm 2024 với tổng số đề nghị trả lại là hơn 2.092,4 tỷ đồng (bao gồm cả số đã phân bổ chi tiết và số chưa phân bổ).
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính nhận định, mức giải ngân đạt được cho đến nay là khá chậm và rất khó có thể đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn kế hoạch.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công vốn ODA chậm là do công tác giải ngân chưa được chú ý, chậm đấu thầu, ký kết, hồ sơ phải bị thẩm định lại nhiều lần. Ngoài ra, chậm giải ngân còn do một số dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, có 15 dự án, tiểu dự án có điều chỉnh đề xuất, điều chỉnh chủ trương đầu tư trong năm 2024. Một số dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay và công tác điều chỉnh kéo dài như: Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vay vốn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Dự án Quản lý nước Bến Tre vay vốn JICA, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên vay vốn ADB, Dự án Xây dựng Trường Đại học Dược Hà Nội ngang tầm khu vực vay vốn Hàn Quốc...
Kéo theo nhiều hệ lụy
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho rằng, việc chậm giải ngân vốn ODA không chỉ gây mất uy tín với các nhà tài trợ, ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế mà còn gây tổn thất cho ngân sách nhà nước từ phí lãi vay và phí rút vốn.
“Cần có giải pháp giải quyết tình trạng này, trong đó, có thể xem xét tăng kỷ luật bố trí vốn theo hướng cương quyết dừng bố trí vốn để các bộ, ngành tập trung giải ngân nguồn vốn tồn đọng cũ. Có thể xem xét chế tài với việc lập dự toán không sát, trả lại vốn do nguyên nhân chủ quan, chậm thực hiện các thủ tục dẫn đến giải ngân chậm”, đại diện Vụ Ngân sách nhà nước nêu ý kiến.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về tình hình giải ngân đầu tư công chậm và quá thấp, đã nói rất nhiều năm, nhưng năm nay tiếp tục thấp hơn cùng kỳ, nhiều nguồn vốn phải xin kéo dài thời gian, điều chuyển, trong khi nhiều dự án thì chờ vốn, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, lãng phí cơ hội rất nhiều. Đây là hạn chế mà Chính phủ phải đặc biệt lưu ý, là điểm nghẽn tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH TP.HCM) nhấn mạnh, sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và khả năng sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia.
“Vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công xuất phát từ các thủ tục phức tạp và quy trình rườm rà. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ thực hiện các dự án mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư”, đại biểu Trần Kim Yến thẳng thắn.
Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cũng cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhiều nơi đạt dưới mức trung bình chung của cả nước có thể gây ra lãng phí lớn về cơ hội phát triển và hiệu quả tổng hợp của dự án.
“Nếu nhìn lại những giai đoạn trước đây khi xi măng, sắt thép phải cân đối từng kg, nguồn vốn phải chắt chiu từng đồng thì mới thấy cái giá phải trả của việc “có tiền mà không tiêu được”, mà đây là tiền thuế của dân, tiền đi vay của Chính phủ, mới thấy thật sự lãng phí”, đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết, giải ngân chậm sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, vì tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào yếu tố vốn (bao gồm vốn đầu tư công), nên việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại. Ngoài ra, khi giải ngân vốn đầu tư công chậm thì sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, làm chậm quá trình huy động vốn xã hội, do đó làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ làm tăng nợ công.
Để vấn đề giải ngân vốn đầu tư công không còn diễn ra cảnh “trên nóng, dưới lạnh”, các chuyên gia cho rằng, cần phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Đồng thời, cần có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, cần mạnh dạn, kiên quyết thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.