Giải ngân vốn ODA cần sự hài hòa về thủ tục với các nhà tài trợ
VOV.VN - Chiều nay (30/9), Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp với Nhóm 6 Ngân hàng phát triển về các khuyến nghị về ODA, vay ưu đãi nước ngoài và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 56 năm 2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi.
Tham dự cuộc họp có đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và đại diện Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định, nguồn vốn ODA có vai trò hết sức quan trọng đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến phương án huy động, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2021, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài ước mới đạt 18,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đại diện các Bộ, ngành, tỷ lệ giải ngân chậm ở các dự án chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương khiến mọi công việc bị đình trệ; một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc do thủ tục giải ngân do nhà tài trợ yêu cầu khác phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai và giải ngân.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, đại diện nhóm 6 ngân hàng phát triển đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng thể chế, triển khai dự án và giải ngân nguồn vốn ODA. Đại diện các ngân hàng cũng thảo luận với đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam về những khó khăn, vướng mắc trong các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay đãi hiện nay; đồng thời, đề xuất sửa đổi một số nội dung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 56, như thủ tục điều chỉnh dự án, phương thức hỗ trợ ngân sách, cho doanh nghiệp vay lại vốn ODA…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục coi nguồn vốn ODA là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, trong các kế hoạch đầu tư công trung hạn, Việt Nam đều dành một phần dự trù huy động nguồn vốn ODA cho phát triển kinh tế - xã hội. Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới, cần sự nỗ lực từ cả 2 phía trong việc tháo gỡ những vướng mắc về các quy trình, thủ tục giải ngân vốn.
“Về phía chính phủ Việt Nam cũng xem xét để làm sao điều chỉnh làm thủ tục tối giản nhất, nhưng đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, cũng rất mong muốn 6 ngân hàng phát triển cũng xem xét để hài hòa hóa các thủ tục. Chúng ta cùng mục tiêu là làm sao sử dụng hiệu quả, đồng thời giải ngân nhanh. Thí dụ, từng ngân hàng có quy định về vấn đề giải ngân cũng làm cho quá trình đó chậm, thì chúng ta cùng xem xét để cùng nhau sửa đổi”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, trong thẩm quyền, xử lý các vướng mắc trong các dự án cụ thể mà 6 ngân hàng nêu trong cuộc họp, đồng thời, tiếp thu ý kiến góp ý tại cuộc họp liên quan đến chỉnh sửa dự thảo nghị định thay thế Nghị định 56 để sớm trình Chính phủ./.