Giảm 2% số vụ kiểm tra và xử lý vi phạm thị trường trong năm 2017
VOV.VN - Thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).
Năm 2017, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 164.355 vụ, giảm 2.746 (tương đương 2%) số vụ so với năm 2016, phát hiện và xử lý 103.146 vụ vi phạm, giảm 1.661 vụ (2%) so với năm 2016. Lực lượng quản lý thị trường trong năm 2017 thu nộp ngân sách 511,75 tỷ đồng. Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) diễn ra chiều 26/1, tại Hà Nội.
Theo Cục Quản lý thị trường, năm 2017, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã khắc phục khó khăn, xây dựng và triển khai kịp thời các kế hoạch, chuyên đề, đợt cao điểm về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cục Quản lý thị trường đã tiếp nhận, xử lý 10.500 công văn và ban hành 2.019 công văn tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành trên 35 văn bản chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của lực lượng quản lý thị trường. |
Thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục của lực lượng quản lý thị trường trong năm qua, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương cho rằng, lực lượng quản lý thị trường vẫn chưa chủ động trong công tác theo dõi diễn biến thị trường, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoặc tham mưu đề xuất xử lý các vấn đề, vụ việc nổi cộm, phức tạp trên thị trường.
Đáng chú ý là năng lực và trình độ chuyên môn của công chức quản lý thị trường ở một số đơn vị chưa đồng đều. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin chưa thường xuyên, có lúc, có nơi chưa chặt chẽ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương cũng nêu rõ: Lực lượng quản lý thị trường chưa có sự phối hợp tổng thể giữa các địa phương để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả.
“Công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ. Việc cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của các nhà sản xuất, chủ sở hữu quyền và chi phí giám định còn cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.
Nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2018, Thứ Trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị lực lượng quản lý thị trường tập trung, chủ động hơn trong công tác theo dõi diễn biến thị trường, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đặc biệt là công tác tham mưu đề xuất xử lý các vấn đề, vụ việc nổi cộm, phức tạp trên thị trường.
“Lực lượng quản lý thị trường cần tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý.
Đặc biệt, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, thanh tra chuyên ngành và các cơ quan chức năng khác nhằm kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng trong năm 2018 cũng như trong các năm tiếp theo./.
Quản lý thị trường mua tin báo về hàng giả hàng nhái dịp Tết