Giám sát không để nợ công vượt quá mức trần 65%
VOV.VN - Theo dự kiến mức nợ công năm 2016 sẽ áp tới mức 64% nhưng Chính phủ và Quốc hội sẽ giám sát không để vượt qua mức trần 65%.
Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đặc biệt là các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016, Chính phủ dự báo, tình hình kinh tế trong nước vẫn tiếp tục đứng trước những khó khăn, thách thức. Do đó, tăng trưởng của nền kinh tế năm 2016 khó đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%.
Nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép. (Ảnh minh họa: KT) |
Cụ thể, Quý I năm 2016, GDP chỉ tăng 5,48%, thấp hơn 1,53 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của Quý IV năm 2015; Quý II tăng cao hơn Quý trước nhưng cũng chỉ tăng 5,55%; tính chung 6 tháng GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%.
Theo nhận định của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi NSNN trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra; nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 cũng có thể vượt trần cho phép.
Trước đó, theo dự báo của ADB, Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng GDP 6,7% trong năm nay. Đồng thời, trong tháng 6/2016, Ngân hàng Thế giới (WB) còn cho rằng, Việt Nam và Philippines là 2 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, sẽ góp phần bù đắp đà tăng trưởng chậm lại của các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo gần đây để điểm lại và cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, Ngân hàng thế giới lại đưa ra dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2016 của Việt Nam là 6,0%. Đây là lần thứ 2 liên tiếp, WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cũng nhận định: “Tình trạng mất cân đối tài khóa tích tụ từ nhiều năm nay cũng là một mối quan ngại. Thâm hụt ngân sách ước tính gần 6,5% GDP vào thời điểm cuối năm 2015. Nợ công của Việt Nam đã chiếm khoảng 62,2% GDP và đang nhanh chóng tiến gần mức trần 65% GDP. Kết quả sơ bộ về thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm cho thấy áp lực ngân sách sẽ còn tiếp diễn”.
Tính đến cuối năm 2015, dư nợ công của Việt Nam đã đạt mức 62,2% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ lên tới 50,3%, đã vượt trần cho phép. Tính theo số liệu tuyệt đối, nợ công đã tăng lên tới 2,6 triệu tỷ đồng, tương đương 117 tỷ USD, gấp đôi mức này năm 2011.
“Chính phủ không được để nợ công vượt qua giới hạn”
Tính toán của Chính phủ cho thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đề ra là 6,7%, thì 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.
Đánh giá về nhận định của Chính phủ, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (ĐBQH TP HCM) cho rằng, GDP nước ta trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ (6,3%) và rất khó đạt được chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 6,7%.
Tuy nhiên theo ông Ngân, ngay cả dự báo của WB cũng nhìn vào triển vọng cả trung và dài hạn và thấy tăng trưởng của Việt Nam sẽ cao hơn năm 2016 ở năm 2017. WB nhìn thấy được tương lai Việt Nam đang đi đúng hướng, vấn đề là Việt Nam phải tiếp tục tự tin vào đường hướng đó.
Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, một trong những đường hướng đó là Việt Nam đang cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới cũng như nhiều doanh nghiệp trước đây đình trệ đã đăng ký hoạt động trở lại là dự báo một tương lai tốt.
Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, việc Chính phủ và các thành viên Chính phủ gặp gỡ và cam kết với doanh nghiệp về cải cách hành chính, cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì yếu tố niềm tin đó sẽ giúp cải thiện về trung hạn. Do đó, dù trong năm nay khó đạt được mục tiêu đề ra nhưng vẫn có thể chấp nhận thấp để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo tốt hơn.
“Như chúng ta đã biết, bội chi ngân sách nhà nước dự kiến năm nay khoảng 5% nhưng phải quyết liệt việc đó. Nếu GDP giảm thì số tương đối về bội chi GDP sẽ không đạt được mục tiêu đề ra và ảnh hưởng đến mức trần giới hạn. Nhưng Chính phủ và Quốc hội sẽ giám sát việc này để không vượt qua mức trần mà Quốc hội cho phép vượt quá 65%, theo dự kiến thì nó sẽ áp tới mức 64%”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.
Cũng theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, điều mà Quốc hội cần thống nhất và quyết liệt nhất hiện này là, khi đã đưa ra chỉ tiêu giới hạn đó thì Chính phủ không được quyền vượt qua giới hạn này.
“Quốc hội giám sát kỹ và các thành viên Chính phủ phải ý thức rằng khi đụng đến đây thì tất cả các khoản chi phải dừng lại. Phải mạnh mẽ như vậy trong việc quyết định mức chi ngân sách nhà nước. Tôi cũng tự tin bội chi sẽ nằm trong giới hạn và không vượt quá 65% GDP”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói./.