Nợ công tăng nhanh: Kiểm soát độ an toàn
VOV.VN - Tính đến hết năm 2014, dư nợ Chính phủ đã lên đến gần 86 tỉ USD (tương đương 1,8 triệu tỉ đồng), bao gồm nợ trong và ngoài nước.
Những con số này khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến mức độ an toàn nợ công của Việt Nam hiện nay. Trong khi huy động vốn đầu tư và số tiền trả nợ ngày càng lớn, thì việc đầu tư công dàn trải, tâm lý trông chờ, ỉ lại vào ngân sách nhà nước càng làm gia tăng gánh nặng nợ quốc gia. Thực tế này đòi hỏi phải có thay đổi trong việc kiểm soát an toàn nợ công trong thời gian tới.
Nợ công tăng nhanh |
Phải cơ cấu lại nợ công, cắt giảm bội chi
Chỉ trong 5 năm từ năm 2010 đến 2014, nợ Chính phủ đã tăng thêm gần 1 triệu tỷ đồng. Nợ công tăng nhanh dẫn đến khó khăn là mức bố trí trả nợ so với tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ mức khoảng 13% lên hơn 16% và phát sinh nhu cầu vay mới để thanh toán một phần nợ gốc đến hạn. Con số 452.000 tỷ đồng, tương đương hơn 20 tỷ USD mà Chính phủ dự kiến vay trong năm nay, trong đó khoản trả nợ lên tới 273.000 tỷ đồng, tương đương 12 tỷ USD cho thấy áp lực trả nợ đang lớn như thế nào.
Theo ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế tài chính (Học viện tài chính), vay nợ càng nhiều thì phần dùng ngân sách trả nợ càng lớn trong tổng chi ngân sách và tạo nên gánh nặng nợ sau này.
"Trước đây vay ODA nhiều kỳ hạn dài và lãi suất thấp nhưng gần đây vay trong nước nhiều. Thời kỳ lạm phát cao thì lãi suất tương đối cao và kỳ hạn ngắn nên áp lực trả nợ trong ngắn hạn gia tăng. Khoản phải đảo nợ trong mấy năm gần đây tăng nhanh đó là hệ quả của việc vay trong nước với lãi suất cao và kỳ hạn ngắn. Để giải quyết nợ công thì không có nhiều lựa chọn, đó là phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên, hạ lãi suất để giảm gánh nặng trả nợ cho Chính phủ. Các khoản đầu tư phải hạn chế không tràn lan," ông Độ nói.
Mặc dù Bộ Tài chính cho rằng nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, nhìn vào con số nợ công Việt Nam tính đến cuối năm 2015 đã ở mức 62,2% GDP, rất gần với mức trần 65% GDP và nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP, đã vượt giới hạn cho phép là 0,3%, cho thấy nợ công Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và không thể chủ quan.
Trong lúc này, để đảm bảo cho an toàn nợ công, cần cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đồng thời phải kiên quyết cắt giảm bội chi ngân sách nhà nước, không chi đầu tư vượt quá khả năng bố trí trả nợ của ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng: cần phải có chính sách tài khóa chặt chẽ quyết liệt hơn và phải thắt chặt giảm chi tiêu công, nếu không sẽ dẫn đến lúc nguồn thu không những không trả nợ công mà còn không trả được lãi suất của nợ công thì dẫn đến đổ vỡ.
"Hiện chủ yếu nợ trong nước. Nợ nước ngoài của Chính phủ đã vượt trần, đó là dấu hiệu nguy hiểm. Chúng ta đang duy trì được khả năng trả nợ là bởi dòng đầu tư nước ngoài đang vào. Nếu có vấn đề bất ổn, dòng đầu tư nước ngoài sụt giảm, dẫn đến dự trữ ngoại hối giảm nghiêm trọng, không bù đắp được thì dẫn đến khả năng trả nợ khó khăn," ông Tú Anh cho hay.
Kiểm soát chặt chẽ, tăng trách nhiệm trả nợ
Trong thời gian tới, nếu vẫn giữ mức đầu tư như giai đoạn 2011-2015, đẩy mạnh đầu tư từ phía nhà nước và vẫn còn tâm lý dựa vào nhà nước thì áp lực huy động vốn cho đầu tư rất lớn, việc nợ công vượt trần là có thể xảy ra, dẫn đến các rủi ro an toàn nợ công.
Theo ông Trần Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, nếu cứ huy động vốn bằng mọi giá thì dẫn đến hệ lụy phải kéo ngắn kỳ hạn xuống, dẫn đến áp lực trả nợ nhanh hoặc phải tăng mặt bằng lãi suất lên, nguy cơ sẽ tái diễn tình trạng lãi suất cao trên 10%/năm cho khoản vay ngắn hạn sẽ phá vỡ cấu trúc lãi suất của nền kinh tế.
Do đó, theo ông Trần Hùng Long, để kiểm soát an toàn nợ công thì phải tăng cường tính hiệu quả của việc sử dụng vốn vay, đồng thời, phải tăng cường trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo đó, sẽ thu hẹp đầu tư của nhà nước theo hướng tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ danh mục đầu tư công, siết chặt phạm vi, đối tượng và điều kiện cấp bảo lãnh của Chính phủ. Ngay cả các địa phương cũng sẽ không thể trông chờ vào vốn cấp phát của Chính phủ như trước đây, mà chuyển sang cơ chế cho vay lại, chuyển dần trách nhiệm trả nợ từ trung ương sang địa phương, để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng vốn vay, từ đó giảm áp lực nợ công.
Giai đoạn hiện nay cũng như 5 năm tới, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, để các chỉ tiêu nợ không vượt trần cho phép, đảm bảo cho an toàn nợ công, các chuyên gia khuyến cáo cần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia phải được đặt lên hàng đầu. Kế hoạch đầu tư công phải xây dựng trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa. Đồng thời cần có những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển nền kinh tế, giảm áp lực vay nợ nước ngoài, đảm bảo ngưỡng an toàn cho nợ công./.
Nợ công Việt Nam: Nguy cơ vỡ nợ thấp nhưng vẫn là vấn đề cấp bách