Trong bối cảnh quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn gặp nhiều trở ngại, đặc biệt khi các nước tham gia bỏ lỡ lần lượt ba thời hạn kết thúc đàm phán, nhiều chuyên gia đã bày tỏ hoài nghi về triển vọng các nước tiến tới ký kết nhằm đưa TPP trở thành một hiệp định toàn diện của thế kỷ 21.
Phóng viên TTXVN tại Canda dẫn mạng tin "Diễn đàn Đông Á" ngày 15/7 cho biết một nguyên nhân giải thích cho sự chậm trễ trong việc hoàn thành TPP là thành phần tham gia đàm phán quá đa dạng.
Không giống với các hiệp định hợp tác đa phương, TPP trải rộng về địa lý, với độ phủ sóng gồm hai nền kinh tế đứng đầu và đứng thứ ba thế giới (Mỹ và Nhật Bản) cùng các nước phát triển năng động của châu Á, Bắc và Nam Mỹ. Bên cạnh đó, các nước này còn đa dạng về kinh tế.
Phó Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản Hiroshi Oe (phải) và quyền Phó đại diện Thương mại Mỹ Wendy Cutler trước cuộc đàm phán ở Tokyo.
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của Australia đang gấp khoảng 40 lần thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam. Nền kinh tế Mỹ có quy mô lớn gấp 1.000 lần so với của Brunei. Các chuyên gia cho rằng chính những sự đa dạng này khiến cho các bên khó tìm được cơ sở và nguyên tắc chung khi thương lượng.
Nguyên nhân thứ hai là các nước tham gia đàm phán TPP đưa ra một chương trình nghị sự quá lớn, khiến việc tìm được tiếng nói chung là hết sức khó khăn. Ngoài ra, giữa các thành viên tham gia đàm phán cũng tồn tại bất đồng về các chính sách của mỗi nước.
Trước thực tế này, các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại tinh thần ban đầu của TPP đang suy yếu và có nguy cơ trở thành một loạt các thỏa thuận song phương, với thỏa thuận Mỹ-Nhật là cốt lõi.
Theo họ, nếu TPP bị hoãn lại vô thời hạn, hoặc nếu được hoàn thành với vô số ngoại lệ, hiệp định này sẽ cần có các điều khoản phục vụ lợi ích của các thành viên.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005, hiện nay có sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Một khi được ký kết, hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.