TPP không tác động tích cực tới mọi doanh nghiệp Việt
VOV.VN -DN Việt đang còn thiếu thông tin về TPP, và cần có những thay đổi trong quản lý, kết nối… để tăng năng lực cạnh tranh.
Cuối tháng 4/2014, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra nhận định, trong tương lai gần, Việt Nam có thể trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với mức độ tự do hóa sâu sắc và tổng quy mô kinh tế của các nước tham gia là rất lớn, TPP sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội như Ủy ban KTQH nói, từ lâu, không ít chuyên gia và nhà quản lý cũng đã bình luận, dự báo về những thách thức đối với Việt Nam khi TPP được ký kết. Trong đó, đối tượng sẽ trực tiếp tham gia TPP đầu tiên là các doanh nghiệp. Và chắc chắn TPP không chỉ mang lại toàn sắc hồng cho hoạt động kinh doanh của đội ngũ doanh nghiệp Việt.
Dệt may được kỳ vọng là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, nhưng hiện cũng đang đối mặt nhiều thách thức (Ảnh minh họa/BaoBinhDuong) |
Cơ hội có khi lại trở thành thách thức…?
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tham gia Hiệp định TPP của Việt Nam sẽ mở ra cho doanh nghiệp một thị trường rất lớn để có thể bán ra sản phẩm với rất nhiều yêu cầu khác nhau, có nhiều phân khúc thị trường.
Cũng dự báo những thuận lợi mà TPP mang lại, PGS, TS Hoàng Phước Hiệp, Chủ nhiệm khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng: Ký kết và thực hiện TPP có thể sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Quan hiện thương mại tự do với các thị trường lớn như NAFTA (Hoa Kỳ, Canada, Mexico) và Nhật Bản và việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản và một số sản phẩm khác trong TPP sẽ là cú hích thực sự cho xuất khẩu của Việt Nam. Một số mặt hàng như dệt may, da giày sẽ đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần trên thị trường các nước TPP, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác như thủy sản, đồ gỗ, nông sản cũng được hưởng lợi rất lớn….
Tuy nhiên, ông Hiệp cũng lưu ý, “tác động tổng thể của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam là tích cực, nhưng điều đó không có nghĩa là đúng với mọi ngành, mọi doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam”. Và điều cần lưu ý nữa là cơ hội có khi lại trở thành thách thức nếu thiếu chính sách vĩ mô thích hợp và thiếu cải cách bên trong cần thiết.
Phân tích những động thái đầu tư quốc tế và “nhân tố Trung Quốc” trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian gần đây, ông Hiệp chỉ rõ: Trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận hiệu ứng từ việc ký kết và thực hiện Hiệp định TPP thì những doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và một số nền kinh tế khác đã nhanh chóng có những điều chỉnh chiến lược kinh doanh thích hợp.
Dẫn nguồn tin từ hang tin Bloomberg, ông Hiệp cho biết: Các doanh nghiệp Trung Quốc đã có một sự chuẩn bị từ khá sớm để đón nhận hiệu ứng từ TPP. Một trong số đó là tập đoàn dệt may Trung Quốc Texhong Textile. Texhong Textile đã đi rất sớm trong việc mở rộng hoạt động ở nước ngoài, chủ yếu là ở Việt Nam. Giữ năm 2012, nhà máy sản xuất sợi giai đoạn 1 của Công ty Texhong Ngân Long thuộc Tập đoàn Texhong Textile đã được khởi công tại Quảng Ninh với vốn đầu tư 300 triệu USD, nâng số nhà máy của Tập đoàn này tại Việt Nam lên đến con số 4.
Bên cạnh đó, tháng 11/2012, Công ty TNHH Dệt may Sunrise (Shengzhou), Trung Quốc liên doanh với công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam đã thành lập Công ty Cổ phần Dệt Nhuộm Thiên Nam Sunrise, có tổng vốn đầu tư 24 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất vải dệt thoi công suất 1 triệu mét/tháng và vải dệt kim công suất 300 tấn/tháng. Hay gần đây, Tập đoàn Crystal của Hồng Kông cho biết, sẽ đầu tư 425 triệu USD vào dự án dệt Pacific Crystal và 120 triệu USD vào dự án may Tinh Lợi mở rộng, sử dụng hơn 70 ha đất tại KCN Lai Vu, Hải Dương…
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp dệt may Việt Nam, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc thường trực của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết: Một trong những thách thức là về xu hướng đầu tư rất nhanh và mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường đều vượt xa so với các DN Việt Nam. Khi nội dung của Hiệp định đã dần dần sáng tỏ, biết rõ mốc thời gian có thể thu được lợi ích từ Hiệp định tại Việt Nam thì lập tức các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Thiếu thông tin về TPP, doanh nghiệp không dễ thích ứng...
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: Khả năng cạnh tranh hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam trên phạm vi quốc tế có thể tác động bất lợi tới những ngành, địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, kể cả trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, theo ông Thiên, tự do hóa thương mại quá đột ngột có thể còn dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu.
TS Bùi Thành Nam (*): “Vào TPP, Việt Nam đối mặt thách thức từ sự ì trệ của hệ thống doanh nghiệp. Các DN Việt Nam sẽ khó có thể biến các cơ hội thành hiện thực và đối mặt với những thách thức lớn hơn nếu họ vẫn duy trì một nền quản trị lạc hậu. Khả năng thích ứng với kinh tế thị trường của DN Việt Nam rất kém, khả năng chủ động khai thác cơ hội cũng rất yếu…” (*) - Khoa Quốc tế học, Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội).
Đặc biệt, theo ông Thiên, do truyền thông về TPP quá yếu, nên hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp không có nhiều thông tin về TPP. Trong khi đó, đúng ra, “doanh nghiệp có nắm bắt được đầy đủ thông tin về hiệp định này thì mới có thể lên kế hoạch thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thay đổi công nghệ…”.
Do đó, trong rất nhiều việc mà doanh nghiệp Việt cần làm để có thể hưởng lợi, hoặc chí ít là tránh rủi ro trong thị trường của TPP, ông Thiên khuyến cáo, bản thân các doanh nghiệp cần có những thay đổi trong quản lý doanh nghiệp, phải có những hiểu biết rộng hơn, kết nối rộng hơn để tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh./.