Giới doanh nghiệp không thích tăng thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt
VOV.VN - Thay vì tăng thuế suất, cần giải quyết vấn đề thu đúng, thu đủ, công bằng để chống thất thu thuế.
Sáng nay (14/9), tại Hà Nội, VCCI và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế.
Các đại biểu góp ý về việc sửa đổi một số điều của 5 luật thuế |
Phát biểu tại Hội thảo, LS. Trương Thanh Đức nhấn mạnh: Cần xác định rõ hai đối tượng nộp thuế là cá nhân và pháp nhân, đồng thời tính đến giải pháp quản lý thực tế hợp lý, tránh nguy cơ biến một số khoản thuế thu nhập thành thuế giá trị gia tăng.
Về thuế giá trị gia tăng (VAT), ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch ĐHTV Công ty Luật BASICO - cho rằng, cần giải quyết vấn đề thu đúng, thu đủ, công bằng để chống thất thu thay vì tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 11% hoặc 12%.
Thuế VAT là loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu thụ, đặc biệt là người tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, theo ông Đức, điều này vẫn ảnh hưởng tăng chi phí, giảm lợi nhuận trực tiếp đến doanh nghiệp nói riêng và nền sản xuất kinh doanh nói chung.
LS. Trương Thanh Đức cũng nêu quan điểm: Không nên áp các mức thuế khác nhau, mà nên áp dụng thống nhất 1 mức thuế suất 10% để đảm bảo sự đơn giản, công bằng, thuận tiện trong việc áp dụng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đồng thời tránh việc lợi dụng trống thuế, lách thuế...
Liên quan đến việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho rằng, các cơ sở để áp dụng chưa thuyết phục. Nếu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế được thông qua sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty nước giải khát.
Các doanh nghiệp nước giải khát có khả năng phải chịu nhiều loại thuế với mức tăng bao gồm: Thuế VAT tăng từ 10% lên 12%; thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thêm vào đó là mức thuế VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.
Khi đó, thị trường giá cả các sản phẩm nước giải khát sẽ tăng ít nhất 12%. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiểu nhất của luật thuế này sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Vỵ lưu ý.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét kỹ, chưa nên đưa nước ngọt vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, lý giải của cơ quan chức năng khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt là do tác động của nó tới sức khỏe người dân, gây béo phì là chưa rõ ràng, chưa có chứng minh một cách khoa học. "Có rất nhiều mặt hàng sử dụng đường sao không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?", ông Vỵ nói.
Dự kiến luật này sẽ trình Chính phủ trong quý III/2017 và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018./.
Tăng thuế VAT: "Doanh nghiệp chỉ đứng ra thu hộ cũng bị ảnh hưởng"