Gỡ “nút thắt” để tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả DNNN
VOV.VN - Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong 10 tháng năm 2014 đã tiến hành tái cơ cấu 119 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 100 doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư trên 3.500 tỷ đồng, gấp hơn 3,6 lần so với ngoái.
Mặc dù vậy, khối lượng công việc phải hoàn thành cho đến năm 2015 là rất lớn, khi vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp cần hoàn thành cổ phần hóa và hàng chục nghìn tỷ đồng cần phải thoái vốn.
Phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa qua được đánh giá là rất thành công, khi thu hút 87 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 15 nhà đầu tư tổ chức, khối lượng giao dịch thành công đạt hơn 110 triệu cổ phần.
Số tiền thu được sau buổi IPO đạt hơn 1.200 tỉ đồng. Đại diện Vinatex cho biết, sau khi cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 51% vốn, còn lại 24% bán cho nhà đầu tư chiến lược, 0,6% cho người lao động và 24,4% các nhà đầu tư khác.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói: “Sau cổ phần hóa, 1 tập đoàn đa sở hữu thì mô hình quản trị thay đổi so với doanh nghiệp nhà nước, thực hiện theo đúng luật công cổ phần Việt Nam, với mô hình quản trị ngày càng tiệm cận với mô hình quản trị trên thế giới, minh bạch, công khai trên thị trường chứng khoán. Đây là áp lực tích cực để các hoạt động trong quản lý kinh doanh, triển khai chiến lược kinh doanh sẽ ngày càng tốt hơn”.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và sự phát triển của thị trường chứng khoán có mối quan hệ chặt chẽ. Các sở giao dịch chứng khoán thực hiện trên 550 đợt đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Thời gian qua, hoạt động đấu giá giúp cổ phần hóa và thoái vốn cho một số lượng lớn doanh nghiệp và giúp Nhà nước thu được trên 85.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa, niêm yết trên thị trường phần lớn hoạt động hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận cao, góp phần bảo toàn và tăng trưởng vốn nhà nước. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng thuận lợi trong việc cổ phần hóa, thoái vốn để tái cơ cấu.
Ông Bùi Hoàng Hải nêu thực tế: “6 tháng đầu năm nay số phiên đấu giá tại 2 sở giao dịch gần bằng tổng số phiên đấu giá 2012-2013, giá trị thực tế thu được cao hơn 30%. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn. Quá trình cổ phần hóa còn chậm, tiến độ sắp xếp của một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ nhà đầu tư đăng ký mua, tỷ lệ số cổ phần bán được đạt mức thấp. Tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài chưa cao, thậm chí có xu hướng giảm nhiều”.
Thời gian qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước nỗ lực sắp xếp, thoái vốn, cổ phần hóa. Điển hình như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, bên cạnh chuyển đổi sắp xếp các công ty từ 2 cấp sang 1 cấp, Tập đoàn đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành được 1.600 trong số 1.800 tỷ đồng và phấn đấu cuối quý I/2015 sẽ hoàn thành.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 9 tháng năm 2014, thoái vốn ngoài ngành được hơn 373 tỷ đồng…Tuy nhiên, nhìn tổng thể, quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm.
Ngoài nguyên nhân thị trường chứng khoán, bất động sản giảm sút…, việc yêu cầu bảo toàn vốn nhà nước cũng khiến việc thoái vốn khó khăn. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp còn có tâm lý e ngại trách nhiệm khi mua vào giá cao, nhưng bán ra giá thấp, nên việc thoái vốn chưa đạt tiến độ.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15 về một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước và mới đây Thủ tướng chính phủ ký ban hành Quyết định số 51, đưa ra hàng loạt giải pháp mang tính đột phá.
Một trong những giải pháp quan trọng là cho phép doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách, đảm bảo hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng vốn.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính cho biết, với doanh nghiệp không thu hút được nhà đầu tư phải tiến hành nhiều bước. Trước mắt chuyển sang công ty cổ phần. Doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa chưa đủ điều kiện niêm yết phải đăng ký trên sàn UPCOM để tiếp tục làm cho doanh nghiệp hoạt động tốt và tìm được cổ đông. Với các tập đoàn, tổng công ty không thoái vốn được, thì sẽ có sự tham gia, hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết: “Với tỷ lệ vốn thoái 15.000 – 16.000 tỷ đồng trong 2015 ở các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản và quỹ rủi ro, giải pháp là trong trường hợp bán được: bán bình thường và thu lợi được. Nếu không được, phải chia ra từng trường hợp để có sự tham gia của ngân hàng và SCIC có thời gian rà soát lại, nhằm thoái vốn đúng mục đích, tránh bán bằng mọi giá, ảnh hưởng hoạt động đến doanh nghiệp đã đầu tư. Trong Nghị quyết 15 và Quyết định 51 đã đưa ra từng cách thức cụ thể. Chính phủ và các bộ ngành cũng đã lường trước các tình huống và đưa ra giải pháp. Tất nhiên trong quá trình triển khai sẽ phát sinh những vấn đề mới, chúng tôi cùng các bộ ngành sẽ tiếp tục giám sát để xử lý.”
Mục tiêu đặt ra là cuối năm 2015 sẽ hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ cấp bách, song không phải vì thế mà cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước bằng mọi giá. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh.
Những động thái quyết liệt này được kỳ vọng sẽ đưa lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đúng tiến độ, góp phần thực hiện thành công quá trình tái cấu trúc nền kinh tế./.