Gói hỗ trợ lãi suất vay 2%/năm: Ngân hàng "ngại", DN than khó
VOV.VN - Để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng ban hành, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Không đủ điều kiện vay vì kinh doanh không có lợi nhuận
Theo Nghị định 31, có 11 nhóm ngành nghề có nhiều cơ hội phục hồi như: hàng không, du lịch, vận tải kho bãi, nông lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo... được hỗ trợ. Mức lãi suất hỗ trợ đối với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh của nhóm này là 2%/năm. Đặc biệt là các trường hợp vay vốn thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, theo quy định, chỉ những khách hàng có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi mới được vay, nhưng lại không có tiêu chí cụ thể như thế nào là phục hồi, khiến không ít doanh nghiệp lâm vào thế khó.
Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Mebipha chuyên sản xuất thuốc thú y và thủy sản tại quận Gò Vấp, có hạn mức vay của 2 ngân hàng thương mại lớn ở TP.HCM hơn 70 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh nên số tiền trả lãi hàng tháng cũng là gánh nặng. Vì vậy, khi nghe thông tin Chính phủ triển khai Nghị định 31 hỗ trợ lãi suất vay 2%/năm nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh, doanh nghiệp này rất phấn khởi. Thế nhưng, khi liên hệ với ngân hàng để làm thủ tục thì được ngân hàng cho biết công ty không đủ điều kiện, do báo cáo tài chính năm 2021 sản xuất, kinh doanh không có lợi nhuận.
Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Mebipha cho biết, đối chiếu các quy định của Nghị định 31 của Chính phủ thì doanh nghiệp của bà đủ điều kiện vì không nợ xấu, có khả năng trả nợ, bằng chứng là 2 ngân hàng thương mại đang cho vay vẫn tiếp tục giải ngân và nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích. Ngoài ra, ngân hàng dựa vào số liệu của năm 2021 để đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp là không hợp lý, vì thời điểm đó dịch bệnh bùng phát mạnh, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn. Năm 2021, Công ty Mebipha tuy không có lợi nhuận nhưng vẫn duy trì được hoạt động, đảm bảo việc làm cho hàng trăm lao động, đây là sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp của chúng tôi vướng điều kiện là phải không có lợi nhuận nên chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này. Để chính sách được thực thi, tôi nghĩ nên "hạ" điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất, ví dụ như quy định doanh nghiệp tuy hoạt động không có lời nhưng bị lỗ ít, khoảng bao nhiêu thì được hỗ trợ, giúp họ khôi phục sản xuất lại”, bà Lâm Thúy Ái kiến nghị.
Cần quy định cụ thể các tiêu chí
Không chỉ riêng Công ty Mebipha, nhiều doanh nghiệp khác ở TP.HCM cũng gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất vay 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ. Theo lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), điều kiện được hưởng gói hỗ trợ có những nội dung chưa rõ ràng. Cụ thể, điều 3 Nghị định 31 về nguyên tắc hỗ trợ lãi suất, mục 4 có quy định doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ lãi suất là khách hàng có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại. Nhưng Nghị định lại không quy định các tiêu chí cụ thể để đánh giá như thế nào là phục hồi nên rất khó cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM cho rằng, một số tiêu chí được quy định tại Nghị định 31 cần cụ thể, rõ ràng hơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nên mở rộng lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ lãi suất vay.
“Nghị định nên mở rộng số ngành nghề được hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, tăng thêm thời gian hỗ trợ lãi suất, Nghị định này quy định thời gian hỗ trợ lãi suất từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023 thì số lượng cho vay chưa nhiều vì nhiều doanh nghiệp đang khó khăn. Tôi đề nghị cho lùi gói vay này khoản vay từ 2020, nhưng có lãi suất phát sinh năm 2022 thì nên được hưởng gói hỗ trợ lãi suất này, như vậy thì số lượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ sẽ nhiều hơn”, ông Nguyễn Đức Nghĩa nêu rõ.
Trước những khó khăn trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM đã có văn bản gửi các ngân hàng thương mại trên địa bàn đề nghị tăng cường triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất vay 2%/năm. Các ngân hàng thương mại thống kê dư nợ cho vay thuộc các nhóm ngành, lĩnh vực được hỗ trợ và rà soát khách hàng thuộc diện hỗ trợ đã giải ngân, chấp thuận cho vay từ ngày 1/1/2022 đến nay. Trường hợp khách hàng có đủ điều kiện được vay theo quy định, ngân hàng thông báo và hỗ trợ khách hàng làm thủ tục.
Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận gói vay này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết: “Để nắm bắt, phản ánh thông tin kịp thời thì doanh nghiệp có thể liên hệ qua đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM hoặc gửi email thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin, trả lời doanh nghiệp. Trong trường hợp cần thiết chúng tôi có thể mời ngân hàng thương mại và khách hàng (doanh nghiệp) làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để tháo gỡ khó khăn”.
Sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp rất cần vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất vay 2%/năm đang được doanh nghiệp mong chờ. Tuy nhiên, điều quan trọng là những quy định cần được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể và phù hợp với thực tế để doanh nghiệp được thuận lợi tiếp cận gói hỗ trợ, khôi phục sản xuất. Thực tế, một số ngân hàng thương mại cũng "ngại" cho vay theo gói hỗ trợ này, vì sau đó họ phải làm thủ tục và chờ nhận lại phần bù lãi suất nên rất thận trọng./.