Góp đất làm cánh đồng lớn: Người Ba Na từng bước xóa nghèo

VOV.VN - Thông qua mô hình liên kết làm cánh đồng lớn, người dân đã có sự thay đổi căn bản trong cách thức làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Liên kết để tạo ra chuỗi sản xuất khép kín, hiệu quả đang là cách làm hay tại các làng dân tộc thiểu số của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai thông qua mô hình trồng cây mía theo cánh đồng lớn. Thông qua mô hình này, bà con người địa phương đã có sự thay đổi căn bản trong cách thức làm ăn để có điều kiện thoát nghèo bền vững.  

Ngày đầu năm mới, ông Đinh A Chi, ở làng Krối, xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cùng các thành viên trong nhóm trồng mía ở làng ra thăm và cũng để bảo vệ cánh đồng mía. Đây là cánh đồng mía mẫu lớn đầu tiên của làng, trồng từ năm 2017. Cánh đồng mía đang rất xanh tốt đã sắp được thu hoạch niên vụ thứ hai.

Nhiều người Ba Na có thể làm được cánh đồng lớn là nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên.
Ông A Chi cho biết, sau khi góp 5,5 sào đất, qua 1 năm ông thu về được khoảng 50 triệu đồng, tính ra sản lượng là hơn 60 tấn mía cây. Năm nay, năng suất mía cao hơn nhiều so với năm ngoái, hứa hẹn mang về khoản thu cao hơn.

“Là cựu chiến binh đã từng đi nhiều nơi, tôi thấy nhiều mô hình kinh tế hiệu quả muốn làm theo cũng khó vì thiếu nguồn lực, không có vốn, không có kỹ thuật. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, gia đình rất phấn khởi làm ăn từ đó tạo ra lợi nhuận, hướng tới thoát nghèo”, ông A Chi chia sẻ.

Ông Đinh Bới, trưởng nhóm trồng mía làng Krối cho biết, bà con có thể làm được cánh đồng lớn là nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Những người trồng mía trong mô hình này hầu hết là người nghèo, trước đây, thường ít có điều kiện để đầu tư nên nhỏ lẻ, manh mún và năng suất rất thấp.

Đến nay, nhờ khoản đầu tư ban đầu của dự án là giống, phân bón, cày đất, cùng với việc kết nối với nhà máy để đảm bảo đầu ra khiến người dân yên tâm làm ăn. Hiện đã 17 hộ tham gia trên diện tích hơn 16ha. Trên cánh đồng lớn này, cơ giới hóa đã được áp dụng khá triệt để từ khâu trồng đến khâu thu hoạch.

Nhờ đó, niên vụ trước, diện tích mía này cho năng suất bình quân 105tấn/ha, cao hơn vượt trội so với năng suất mía bình quân trong vùng là 60-70tấn /ha giúp thu nhập tăng đáng kể. Đây sẽ là điều kiện rất tốt để bà con trong làng thoát nghèo bền vững.

“Dự án giảm nghèo đã hỗ trợ bà con dân làng thực hiện mô hình cánh đồng mía mẫu lớn. Trước đây bà con không có nguồn lực để đầu tư, nhưng sau khi được hỗ trợ, nhiều hộ dân đã tham gia dự án, liên kết với nhau cùng đầu tư thu lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong tương lai, diện tích mía của bà con cũng như thu nhập của bà con sẽ ngày càng tăng”, ông Bới cho biết.

Lơ Ku là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kbang với gần 800 hộ dân, khoảng 3.200 nhân khẩu và người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ hơn 80% dân số, chủ yếu là người Ba Na. Đặc điểm của xã là có diện tích đất nông nghiệp lớn, thuận tiện cho các loại cây ngắn ngày. Trong đó, cây mía đã được trồng ở xã từ nhiều năm nhưng hiệu quả tương đối thấp do bà con canh tác còn manh mún, đầu tư thiếu đồng bộ.

Mô hình cánh đồng mía mẫu lớn ở xã lần đầu tiên được triển khai là vào năm 2017 khi có Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ. Đến thời điểm này, đã có 7 nhóm hộ, thuộc 5 làng với khoảng 100 hộ dân trong xã được dự án hỗ trợ trồng gần 100ha mía theo mô hình cánh đồng lớn. Vì được đầu tư đồng bộ, hiệu quả kinh tế từ mô hình này là rất rõ rệt với năng suất, chất lượng vượt trội so với những diện tích mía trong vùng.

Ông Hồ Nam Dương, Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, cho biết, mô hình cánh đồng lớn với sự liên kết chặt chẽ nông dân với nông dân, nông dân với nhà máy sẽ là định hướng chiến lược của xã trong thời gian tới.

“Cây mía đã được bà con địa phương trồng khá lâu. Tuy nhiên, từ khi có dự án giảm nghèo, xã bắt đầu triển khai mô hình cánh đồng lớn chuyên canh cây mía. Trong những năm tới, xã sẽ nhân rộng mô hình này để triển khai ở các cánh đồng lớn ở các thôn, giúp bà con phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Dương cho biết.

Khi đất đai liền thửa được ghép chung với nhau, những nông dân đã biết liên kết để cùng thực hiện canh tác theo lối sản xuất lớn, áp dụng đồng bộ khoa học, kỹ thuật. Đó thực sự là một cuộc cách mạng trong thay đổi phương thức sản xuất của bà con người Ba Na ở xã Lơ Ku, huyện Kbang khi thực hiện mô hình cánh đồng mía mẫu lớn. Mô hình đang cho thấy hiệu quả vượt trội và có điều kiện rất thuận lợi để nhân rộng trong cả vùng, giúp bà con ở xã đặc biệt khó khăn này có thể thoát nghèo bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cánh đồng lớn là “lối thoát hiểm” của ngành mía đường
Cánh đồng lớn là “lối thoát hiểm” của ngành mía đường

VOV.VN - Áp lực từ đường nhập khẩu khiến giá mía nguyên liệu giảm kỷ lục, do đó việc tăng cường liên kết, đổi mới sản xuất là cách để ngành mía đường phát triển.

Cánh đồng lớn là “lối thoát hiểm” của ngành mía đường

Cánh đồng lớn là “lối thoát hiểm” của ngành mía đường

VOV.VN - Áp lực từ đường nhập khẩu khiến giá mía nguyên liệu giảm kỷ lục, do đó việc tăng cường liên kết, đổi mới sản xuất là cách để ngành mía đường phát triển.

Điện Biên đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn
Điện Biên đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn

VOV.VN - Điện Biên đang đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn nhằm phát huy tối đa tiềm năng và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Điện Biên đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn

Điện Biên đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn

VOV.VN - Điện Biên đang đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn nhằm phát huy tối đa tiềm năng và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Tăng năng suất và thu nhập từ trồng lúa trên cánh đồng lớn
Tăng năng suất và thu nhập từ trồng lúa trên cánh đồng lớn

VOV.VN - Canh tác lúa trên cánh đồng lớn cho năng suất ổn định, giá bán cho doanh nghiệp cao hơn bán cho tư thương nên thu nhập của nông dân được cải thiện.

Tăng năng suất và thu nhập từ trồng lúa trên cánh đồng lớn

Tăng năng suất và thu nhập từ trồng lúa trên cánh đồng lớn

VOV.VN - Canh tác lúa trên cánh đồng lớn cho năng suất ổn định, giá bán cho doanh nghiệp cao hơn bán cho tư thương nên thu nhập của nông dân được cải thiện.