GRDP Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước: Nỗ lực phục hồi kinh tế sau dịch

VOV.VN - Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, kinh tế thành phố có tốc độ phục hồi nhanh, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch.        

Năm 2022, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của TP Đà Nẵng tăng 14,05% (vượt xa mục tiêu đề ra từ 6 - 7%), đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng. Quy mô kinh tế của TP Đà Nẵng cũng đã cao hơn so với thời điểm năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Có được kết quả này là nhờ ngay từ đầu năm 2022, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã tập trung triển khai quyết liệt chủ đề công tác “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, kinh tế thành phố có tốc độ phục hồi nhanh, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Người dân Đà Nẵng đón năm mới 2023 trong niềm hy vọng mới.

Những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh tại Đà Nẵng. Trong bối cảnh đó, cảng Đà Nẵng cũng gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng với sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong 2 quý cuối năm nên cả năm 2022, cảng Đà Nẵng đạt doanh thu 1.200 tỷ đồng, tăng trưởng 10%.

Cùng với thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2022, cảng Đà Nẵng xây dựng hệ thống hạ tầng, công nghệ, kho bãi hơn 5 héc ta. Tất cả những yếu tố đó giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm nhiều chi phí. Cảng Đà Nẵng là hạt nhân chuỗi cung ứng logistic toàn cầu với hệ sinh thái hàng hải gồm cảng vụ, hoa tiêu, biên phòng, hải quan, cơ quan thuế, hãng tàu và cộng đồng DN xuất nhập khẩu, đảm bảo thông suốt và an toàn dòng hàng hoá.

Ông Dương Đức Xuân, Phó Tổng Giám đốc cảng Đà Nẵng cho biết, sự vươn lên mạnh mẽ của cảng Đà Nẵng là một trong những nhân tố góp phần cho nguồn thu thuế xuất nhập khẩu của thành phố Đà Nẵng vượt cao so với kế hoạch.

“Hoạt động của cảng Đà Nẵng trong năm qua góp phần ổn định đời sống người lao động của cảng và kinh tế địa phương, đặc biệt là thu ngân sách từ khu vực hải quan. Riêng về phát triển logistics, thành phố cũng có nhiều chủ trương tiến tới trở thành trung tâm logistics miền Trung. Trong đó, cảng Đà Nẵng là một mắc xích, một đầu ra, đầu vào đối với hàng hóa. Xuất nhập khẩu qua cảng Đà Nẵng tạo thuận lợi cho các nhà hoạt động logistics, thông qua sự đầu tư, xây dựng và phát triển liên tục của cảng Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi cho họ dễ dàng hơn trong khâu xuất nhập khẩu và tiết giảm chi phí”, ông Xuân cho biết.

Ngày 14/12, tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng tổ chức Lễ khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu hợp phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Công trình này mang tính động lực phát triển của Đà Nẵng với nguồn vốn đầu tư hơn 3400 tỷ đồng. Đây là nỗ lực lớn của TP Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương để hoàn thành các thủ tục pháp lý, tổ chức khởi công dự án.

Anh Nguyễn Lùn, người dân tổ 21, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, nơi vừa khởi công xây dựng cảng biển Liên Chiểu đặt niềm tin vào công trình này. “Là người dân của Hòa Hiệp Bắc, tôi rất phấn khởi, rất mừng và hoan nghênh việc khởi công cảng này để phát triển kinh tế cho nhân dân. Cảng phát triển sẽ kéo theo sự phát triển kinh tế của vùng, người dân sẽ có thêm việc làm”.

Ngay sau khi kiểm soát dịch Covid-19, TP Đà Nẵng tổ chức hàng loạt sự kiện lớn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước như lễ hội mùa hè, Iron Man, Sự kiện xúc tiến đường bay châu Á (Asia Routes), giải golf châu Á… gần nhất là Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM 2022. Các sự kiện này đã quảng bá mạnh mẽ hình ảnh điểm đến cùng năng lực phục hồi kinh tế của Đà Nẵng. Kết quả là năm 2022, Đà Nẵng đã thực hiện vượt năm 2019 về lượng khách trong nước, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái, vượt xa kế hoạch đặt ra cho việc phục hồi thị trường khách nước ngoài.

Dịch vụ cảng biển, xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công và kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển đã giúp cho tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng đạt hơn 14%. Tiến sĩ Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng khẳng định, GRDP của Đà Nẵng tăng 14,05% đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng cho thấy đây là tín hiệu rất là đáng mừng.

“Quy mô nền kinh tế của thành phố đã vượt so với trước dịch sau 3 năm. Hiện nay, cơ cấu nền kinh tế là công nghiệp - xây dựng chiếm từ 23-25%, dịch vụ chiếm từ 60-65% và thời điểm này dịch vụ chiếm 68%”, Tiến sĩ Hòa nêu rõ.

Thành phố Đà Nẵng chọn năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Bám sát chủ đề này, Đà Nẵng xác định cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; rà soát, đánh giá kết quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khẩn trương điều chỉnh, bổ sung các chính sách theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Năm 2023, thành phố sẽ ban hành Đề án “Nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các khu công nghiệp mới và khu công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao và chính sách xã hội hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025”; Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, khẩn trương hoàn thành các thủ tục và hạ tầng đưa khu công viên phần mềm số 2 và cụm công nghiệp Cẩm Lệ vào hoạt động.

Năm 2023, Đà Nẵng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương tham mưu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; Đẩy nhanh quá trình đề xuất các cơ chế để hình thành Trung tâm Tài chính quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng, khu phi thuế quan TP Đà Nẵng. 

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, để đạt được các chỉ tiêu trong Nghị quyết năm 2023 của Thành ủy, đề nghị toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành tiếp tục quyết tâm, nỗ lực khắc phục hạn chế, khó khăn, phải chủ động, phát huy cao độ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không chủ quan, thỏa mãn, không trông chờ, ỷ lại với nhiều hành động quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả hơn.

Với đà phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2022 cùng sự quyết tâm cao của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, hy vọng kinh tế - xã hội của Đà Nẵng sẽ tiếp tục tăng trưởng, hướng đến sự phát triển bền vững hơn, tạo nền tảng quan trọng cho việc hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra cho cả nhiệm kỳ 2020-2025./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP)
Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP)

VOV.VN - Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Đà Nẵng tăng hơn 14,05% so với năm 2021, đứng thứ 3 cả nước, trong khi thu ngân sách nhà nước hơn 23.600 tỷ đồng, đạt hơn 120% dự toán.

Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP)

Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP)

VOV.VN - Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Đà Nẵng tăng hơn 14,05% so với năm 2021, đứng thứ 3 cả nước, trong khi thu ngân sách nhà nước hơn 23.600 tỷ đồng, đạt hơn 120% dự toán.

Tàu du lịch biển đưa 200 khách quốc tế trở lại Đà Nẵng sau 2 năm gián đoạn do Covid-19
Tàu du lịch biển đưa 200 khách quốc tế trở lại Đà Nẵng sau 2 năm gián đoạn do Covid-19

VOV.VN - Sáng nay (9/10), Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức đón tàu du lịch biển Le Lapérouse cập cảng Tiên Sa, đưa 200 khách du lịch quốc tế tham quan thành phố Đà Nẵng và phố cổ Hội An. Đây là chuyến tàu đầu tiên đưa khách du lịch bằng đường biển quay lại thành phố Đà Nẵng sau 2 năm bị gián đoạn vì dịch Covid-19.

Tàu du lịch biển đưa 200 khách quốc tế trở lại Đà Nẵng sau 2 năm gián đoạn do Covid-19

Tàu du lịch biển đưa 200 khách quốc tế trở lại Đà Nẵng sau 2 năm gián đoạn do Covid-19

VOV.VN - Sáng nay (9/10), Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức đón tàu du lịch biển Le Lapérouse cập cảng Tiên Sa, đưa 200 khách du lịch quốc tế tham quan thành phố Đà Nẵng và phố cổ Hội An. Đây là chuyến tàu đầu tiên đưa khách du lịch bằng đường biển quay lại thành phố Đà Nẵng sau 2 năm bị gián đoạn vì dịch Covid-19.

Đà Nẵng khai thác thị trường khách quốc tế mới
Đà Nẵng khai thác thị trường khách quốc tế mới

VOV.VN - Trung Quốc, Nga… là thị trường khách du lịch truyền thống của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiên nay, dòng khách này còn hạn chế, chưa thể phục hồi như trước đây. Thành phố Đà Nẵng đang tìm kiếm, mở rộng những thị trường khách du lịch mới tiềm năng như: Ấn Độ, Úc, Philippines.

Đà Nẵng khai thác thị trường khách quốc tế mới

Đà Nẵng khai thác thị trường khách quốc tế mới

VOV.VN - Trung Quốc, Nga… là thị trường khách du lịch truyền thống của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiên nay, dòng khách này còn hạn chế, chưa thể phục hồi như trước đây. Thành phố Đà Nẵng đang tìm kiếm, mở rộng những thị trường khách du lịch mới tiềm năng như: Ấn Độ, Úc, Philippines.